Chẳng có loài vật nào có thể làm thay đổi cả Trái đất chỉ qua chuyện ấy, ngoại trừ loài vật này.
Loài vật chúng ta muốn nhắc đến ở đây là cá hồi.
Theo một nghiên cứu mới đây thì hóa ra mỗi khi đến thời điểm làm “chuyện ấy”, chúng thực sự đã khiến toàn bộ Trái đất rung chuyển. Sức mạnh của chúng – trải qua hàng triệu năm – có thể… dời non lấp bể, thay đổi đặc tính địa chất của khu vực nơi chúng đẻ trứng, và thậm chí góp phần giúp cho cả giống nòi tiến hóa.
Cá hồi có thể “dời non lấp bể”.
Cụ thể hơn, mọi chuyện bắt nguồn khi đến mùa sinh sản của cá hồi. Trước tiên, chúng ta cần biết rằng chuyện sex của cá hồi không được bình thường như các loài động vật khác. Con cái đẻ trứng, con đực giải phóng tinh trùng vào nước, và rồi sau đó trứng mới được thụ tinh.
Tập tính của cá hồi là loài di cư. Ra đời ở vùng sông nước, chúng xuôi dòng ra biển, lớn lên rồi ngược dòng về sông để đẻ trứng. Vậy nên cứ đến mùa sinh sản, nhiều con sông lại ngập tràn các cặp đôi cá hồi ngược dòng về truy hoan.
Khi ấy, cá cái sẽ cọ xát vào ven bờ để tạo ra tổ rồi đẻ trứng vào đó, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến địa hình Trái đất có thể thay đổi.
Các nhà khoa học đã thử lập mô hình tác động của việc trầm tích di chuyển lên các lớp đất đá, qua đó hình thành nên cảnh quan của cả khu vực trong hàng triệu năm. Kết quả, một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình này chính là việc cá hồi di cư.
Khi tạo ra tổ, cá hồi cũng vô tình hạ thấp độ dốc của dòng nước, qua đó khiến 2 bên bờ dễ bị xói mòn hơn. Điều đặc biệt là tốc độ xói mòn ngày càng nhanh, các hạt cát và đất đá cũng dễ dàng bị đẩy xuống hạ lưu nhiều hơn. Dần dần, địa hình của cả khu vực sẽ thay đổi.
“Cá hồi không chỉ khiến các lớp trầm tích dịch chuyển” – trích lời Alex Fremier, chủ nhiệm nghiên cứu. “Chúng thay đổi đặc tính của lòng suối, nên khi nước chảy, lượng đất, cát và sỏi cuốn theo sẽ ngày càng nhiều hơn”. Kết quả, nền đá bên dưới lộ dần, làm tăng nguy cơ xói mòn cho cả khu vực.
Cá hồi ngược dòng để tìm chỗ ân ái.
Bên cạnh đó, cần biết rằng các loài cá hồi khác nhau sẽ gây nên tác động khác biệt đến địa hình và môi trường. Ví dụ như cá hồi Chinook (loài lớn nhất tại Thái Bình Dương) có thể khiến quá trình xói mòn diễn ra nhanh hơn trong cùng một khoảng thời gian so với nhiều loài cá nhỏ khác, vì chúng mang theo rất nhiều trầm tích.
Với nghiên cứu này, các chuyên gia hiểu được rằng một loài vật đơn lẻ vẫn có thể tác động mạnh đến địa hình, cảnh quan và môi trường. Sự có mặt của mọi loài vật đều có vai trò quan trọng đối với tự nhiên.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ ĐH Idaho và Indiana, được đăng trên tạp chí Geomorphology.
Theo Trí Thức Trẻ