Loạn sản phẩm chứa collagen

collagen
collagen
Một khách hàng mua collagen tại hiệu thuốc ở quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Phan Duyên

Collagen có từ lâu tại thị trường Việt Nam, thế nhưng công dụng chính xác về loại “thần dược” này đến nay vẫn là câu hỏi lớn của nhiều người tiêu dùng.

Chỉ cần gõ “collagen” trên Google sẽ cho ra hàng trăm ngàn kết quả với đủ loại collagen từ dạng bột, dạng nước, viên uống đến collagen tươi bôi ngoài da, collagen mặt nạ… và đủ loại chiết xuất từ cá heo, cá tra, sụn cá mập, da bò, trâu, thực vật…

Giá cả cũng đủ loại từ vài trăm đến vài triệu đồng một sản phẩm tương ứng với nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Pháp… và cả hàng nội địa của Việt Nam. Những sản phẩm này được quảng cáo làm đẹp da, trẻ hóa làn da, ngăn ngừa lão hóa.

Ngoài ra, một số sản phẩm được quảng cáo giúp tóc bóng đẹp, xương vững chắc, tăng cường hệ miễn dịch…

Lạp xưởng cũng có collagen

Tại một cửa hàng mỹ phẩm xách tay trên đường Đội Cấn, Hà Nội, chỉ cần hỏi đến collagen, người bán đưa ra đủ loại sản phẩm khác nhau mà chỉ cần điểm tên đã khiến khách hàng chóng mặt.

Riêng mặt nạ collagen đã có đến năm loại với các xuất xứ khác nhau từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… giá dao động 30.000 – 50.000 đồng/miếng.

Collagen bôi ngoài da được đựng trong chai nhỏ kích cỡ khác nhau, có xuất xứ khác nhau từ Pháp, Mỹ… Collagen dạng bột xuất xứ từ Nhật, Pháp được đóng thành túi loại vừa, loại nhỏ hoặc đựng trong hộp nhựa, giá 600.000 – 800.000 đồng/sản phẩm.

Một nhân viên bán hàng tại hiệu thuốc trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội giới thiệu có bán collagen dạng viên nang và bột của các hãng Shiseido, Meji (Nhật), Zemaca (Mỹ)… đủ loại sản phẩm phù hợp mọi lứa tuổi.

Người này còn tỏ ra rất kinh nghiệm khi đưa ra những so sánh giữa các loại collagen khác nhau.

Theo đó, collagen dạng bột có giá thành rẻ hơn, hàm lượng cao hơn, dễ dàng kết hợp với các loại nước uống khác nhau nhưng có đặc điểm là tanh nên không phải ai cũng có thể sử dụng.

Trong khi collagen dạng nước, dạng viên uống có giá thành đắt hơn nhưng dễ uống hơn vì được thêm các thành phần vitamin E, C nên phù hợp với nhiều người.

Không chỉ có mỹ phẩm dưỡng da mới chứa collagen, trên thị trường TP.HCM từ nước uống, sữa, dầu gội đầu đến bánh kẹo hay thậm chí cả lạp xưởng cũng được quảng cáo có collagen giúp làm đẹp da.

Điều đáng nói, lượng collagen bổ sung bao nhiêu trong sản phẩm không được nhà sản xuất ghi cụ thể, trong khi đó hễ sản phẩm nào được quảng cáo có bổ sung collagen đương nhiên giá sẽ cao hơn.

Trào lưu sử dụng sản phẩm có chứa collagen được bắt đầu hình thành và phát triển ở TP.HCM khoảng bốn năm trước, khi một số nhà sản xuất nước giải khát trong nước bắt đầu nhập công nghệ và tung ra các loại nước giải khát chứa collagen.

Với giá 14.000 – 40.000 đồng/chai (lon), sản phẩm có collagen thật sự hấp dẫn vì hoàn toàn khác biệt với các loại nước đã có trên thị trường, mà khách mua nhiều nhất là người… già.

Cơn “cuồng” collagen còn lan mạnh sang lĩnh vực thực phẩm khi chất collagen được đưa vào lạp xưởng, với quảng cáo sản phẩm lạp xưởng đặc biệt sử dụng màng bao collagen được nhập khẩu từ Đức thay thế ruột heo được sử dụng sản xuất lạp xưởng truyền thống!

Ngoài ra, thị trường còn có sản phẩm sữa bổ sung collagen dành cho phụ nữ, chống lão hóa da với giá gần 400.000 đồng/lon.

Do quá nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm ăn uống được quảng cáo có chứa collagen nên nhiều người cũng lúng túng khi chọn mua.

Chị Bùi Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) băn khoăn: “Tôi bị đau nhức xương khớp, nhiều người bạn khuyên tôi sử dụng một số thực phẩm chức năng hàng xách tay để bổ sung collagen. Tìm hiểu kỹ mới biết quá nhiều loại bôi ngoài da, uống hằng ngày và chích trực tiếp. Giờ phân vân quá không biết sử dụng bao lâu mới có hiệu quả”.

Hiểu sai về “thần dược”

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, collagen và elastin được xem là khung “bêtông” của da toàn bộ cơ thể. Vì vậy trong các chất bổ trợ da, collagen được ví như “thần dược”.

Tuy nhiên, hiểu collagen như “thần dược” ngăn lão hóa lại là cách hiểu rất phiến diện. Chưa có bằng chứng lâm sàng nào chứng tỏ việc bổ sung collagen cấp tốc có thể ngăn ngừa lão hóa.

Collagen là một thành phần thuộc nhóm chất đạm có nguồn gốc từ động vật, tham gia nhiều mô tổ chức cơ thể, trong đó có mô liên kết dưới da. Khi thiếu collagen và elastin, các mô liên kết dưới da yếu đi khiến da mất đàn hồi, dẫn đến các nếp nhăn tự nhiên theo thời gian.

Vì vậy, nhiều nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng collagen dưới dạng bôi ngoài da để xóa nếp nhăn là không có cơ sở. Mặt khác, khi collagen vào cơ thể người phải thông qua hệ tiêu hóa và có quá trình tổng hợp mới tái tạo thành collagen cho việc tái tạo các mô liên kết của con người.

Điều này chứng tỏ không phải cứ uống bao nhiêu collagen bổ sung là cơ thể có liền bấy nhiêu collagen tái tạo.

Cũng chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào đến nay chứng tỏ collagen là thần dược ngăn ngừa lão hóa. Có chăng quá trình tổng hợp tái tạo cơ thể có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, khi bổ sung đầy đủ vi chất nuôi dưỡng cơ thể chứ không riêng gì collagen.

Chưa kể dưới 30 tuổi thì không cần bổ sung collagen tinh chế, vì lúc này cơ thể đang ở độ tuổi sung mãn nhất và có thể tự tổng hợp collagen qua chế độ ăn uống.

Từ 30 – 40 tuổi là quá trình lão hóa dần của mỗi người, việc sử dụng collagen tinh chế là cần thiết nhưng phải phù hợp với độ tuổi.

Tương tự khi bước sang tuổi 40 trở lên, cơ thể sinh học con người ngoài collagen cũng cần bổ sung các vi chất khác mới có thể tổng hợp collagen hiệu quả. Nhưng tất cả chỉ là bổ trợ chứ chưa có bằng chứng lâm sàng nào về chuyện “cải lão hoàn đồng” nhờ collagen.

“Nếu không có khả năng tài chính để chọn cách bổ sung collagen bằng thực phẩm chức năng có kiểm định thì tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Thay vào đó hãy thực hiện một chế độ dinh dưỡng đủ chất đạm, chất xơ, thực phẩm chứa chất chống oxy hóa… Tránh sử dụng chất kích thích, không thức khuya và sống lạc quan mới chính là “thần dược” giúp bạn trẻ lâu” – bác sĩ Diệp nhấn mạnh.

Đề phòng hàng giả

Bên cạnh vấn đề hiệu quả sử dụng, một cảnh báo về nguồn gốc của collagen cũng được các chuyên gia nêu ra.

Theo ông Nguyễn Hùng Long – phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, để đề phòng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, người dân trước khi mua sản phẩm collagen và các thực phẩm chức năng khác cần kiểm tra tem mác chống hàng giả, đối chiếu các thông tin hướng dẫn, mã vạch, nơi xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng… ở bao bì bên ngoài và bao bì bên trong sản phẩm.

Đặc biệt, thông tin về nguồn gốc phải chi tiết như: ở công ty nào, đường nào, địa chỉ nào… tránh thông tin chung chung như là “made in…”.

Người tiêu dùng thậm chí có thể phát hiện hàng giả, hàng nhái nếu như quan sát kỹ hình thức bên ngoài sản phẩm vì thông thường các chi tiết được in trên hàng giả, hàng nhái mờ nhạt, lòe loẹt, thậm chí bị sai lỗi chính tả, trong khi sản phẩm thật rất sắc nét, được in rất cẩn thận.

Ông Long cũng cho biết hàng xách tay được quy định chỉ sử dụng cá nhân, việc kinh doanh mặt hàng này được xem là vi phạm pháp luật.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong sáu tháng đầu năm 2015 đã xử phạt 77 doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng với tổng mức tiền phạt cho hành vi này là 1,6 tỉ đồng.

Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng thì vi phạm quảng cáo chiếm tỉ lệ cao nhất. Có những thời điểm hơn 53% số vi phạm liên quan đến quảng cáo (các hình thức vi phạm như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt…).

Còn theo thống kê của Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng phụ của thuốc, năm 2014 đã ghi nhận một ca tai biến sau dùng collagen, bệnh nhân nữ có biểu hiện dị ứng, nổi nhiều mẩn đỏ trên da… sau khi uống collagen là hàng xách tay.

Chưa hẳn điều trị được bệnh cơ xương khớp

Hiện nay, trên thị trường quảng cáo nhiều loại thực phẩm chức năng chứa collagen có tác dụng hỗ trợ và điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp.

Tuy nhiên, theo BS Tăng Hà Nam Anh – trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, chỉ có loại collagen type 2 không biến tính (không bị thủy phân) mới có tác dụng cho những người bị thoái hóa khớp.

Trong thoái hóa khớp có quá trình viêm, lúc này cơ thể không nhận biết được sụn là của mình nên sẽ làm quá trình viêm xảy ra mạnh và nhanh hơn. Collagen type 2 không biến tính có cấu trúc kháng viêm gần giống như mô sụn, nên khi người bệnh uống loại này vào tế bào lympho sẽ điều hòa lại quá trình trong khớp gối.

TS Nam Anh cho rằng đến nay khoa học cũng chưa chứng minh được các loại thực phẩm chứa collagen có phòng ngừa được các bệnh cơ xương khớp hay không.

Ngay cả những người bị thoái hóa khớp gối khi uống collagen type 2 không biến tính cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, vì một mình collagen type 2 không biến tính không đủ sức để điều trị mà phải có cả một quá trình điều trị toàn diện.

BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cũng cho biết đến nay y văn thế giới chưa đưa loại thuốc nào có chứa collagen vào điều trị các bệnh cơ xương khớp.

Rước bệnh vì dùng mỹ phẩm trôi nổi giá rẻ
(Làm Đẹp) – (Phunutoday) – Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi bôi kem, da mặt chị Nguyên nóng rát, nổi mẩn ngứa và sưng đỏ.

Nguồn: V.HOÀNG – Q.LIÊN – 
N.BÌNH – L.ANH (Tuoitre)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.