Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tự nhiên ngày 14/5, các cơn lốc xoáy nhiệt đới ngày càng mạnh lên, di chuyển xa dần xích đạo và tiến gần tới phía hai cực.
>>> Lốc xoáy quét qua miền nam nước Mỹ, 37 người chết
Cụ thể, khoảng 30 năm trở lại đây, cứ 10 năm, các cơn lốc xoáy thường có xu hướng dịch chuyển về hai cực của Trái Đất với tốc độ khoảng nửa vĩ độ (tương đương 56km). Sự thay đổi này diễn ra khi nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh, từ đó mở rộng bán kính vành đai nhiệt.
Cảnh đổ nát sau khi lốc xoáy tràn qua Cleburne, bang Texas. (Ảnh: nj.com)
Có thể thấy rõ nhất điều đó tại phía Bắc và Nam Thái Bình Dương, cũng như tại Nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa phát hiện được bất kỳ thay đổi nào tại khu vực Bắc Đại Tây Dương và Bắc Ấn Độ Dương, cũng như những thay đổi liên quan tới tần suất xảy ra các cơn lốc xoáy trên toàn cầu.
Điều đó đồng nghĩa rằng các khu vực vốn được xem là những nơi ít chịu ảnh hưởng của bão và lốc xoáy cũng có thể trở thành “nạn nhân” của các “cơn thịnh nộ” trong tự nhiên này. Ngược lại, các khu vực gần xích đạo ngày càng ít nguy cơ xảy ra các trận lốc xoáy và bão, đồng nghĩa những vùng này có thể bị hạn hán nặng.
Viện dẫn số liệu thu thập được từ năm 1982 đến năm 2012 của Cục quản lý Đại dương và Khí quyển (NOAA) của Mỹ, nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng bất kỳ thay đổi nào liên quan tới vị trí xảy ra các cơn bão cũng kéo theo những hậu quả nhãn tiền đối với các khu dân cư và cơ sở hạ tầng.
Theo TTXVN/Vietnam+