Hiện nay, mỗi năm thế giới phải hứng chịu khoảng 90 cơn lốc xoáy nhiệt đới nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong thế kỷ tiếp theo, con số này sẽ không dừng lại ở đó.
Nhà khoa học nổi tiếng về khí hậu Kerry Emanuel của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ngày 8/7 cho biết do lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng nên số lượng các trận lốc xoáy nhiệt đới sẽ tăng từ 10-40% cho đến năm 2100. Không chỉ về số lượng, mức độ khốc liệt của chúng cũng tăng 45%, gây ra những thiệt hại lớn hơn hiện nay tới 55%.
Quang cảnh tan hoang đổ nát sau trận lốc xoáy ở Brahmanbaria ngày 23/3. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Lốc xoáy hình thành ở những vùng biển sâu có dòng nước ấm trong khi môi trường không khí phía trên lạnh và ẩm. Hơi nóng từ mặt biển bốc cao, tạo thành luồng khí xoay vòng và mạnh dần lên trở thành lốc xoáy.
Lốc nhiệt đới mang theo mưa và gió, và có nhiều cấp độ từ áp thấp nhiệt đới đến bão nhiệt đới và mạnh nhất là cuồng phong. Nghiên cứu các số liệu ghi lại của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia cho thấy những cơn bão mạnh hơn cùng với mưa nhiều hơn và gió lớn hơn sẽ xuất hiện ở những vùng biển Nam Ấn Độ Dương, Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vùng duyên hải.
Qua phân tích số liệu từ vệ tinh, trong 40 năm qua, các trận lốc xoáy tương đối ổn định về số lượng cũng như cường độ. Tuy nhiên, cùng với dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) rằng lượng thải khí CO2 sẽ tăng gấp ba lần cho đến năm 2100, các nhà khoa học dự đoán khí hậu sẽ biến đổi theo chiều hướng cực đoan hơn với sáu loại hình thời tiết khác nhau.
Theo hệ thống giám sát đại dương của Mỹ, hiện nay khu vực Đại Tây Dương, Caribe và Vịnh Mexico phải hứng chịu trung bình 6 trận cuồng phong và 11 cơn bão nhiệt đới, trong khi con số đó ở Thái Bình Dương mỗi năm lần lượt là 10 và 19.
Theo Vietnam+