Những ngôi mộ xâm xấp ngoài mặt nước xa của Hồ Tây là gì? Đã có nhiều câu trả lời, nhưng đến lúc này vẫn chưa có kết luận cuối cùng…
Câu chuyện về Hồ Tây nghe tưởng như ai đó thêu dệt cho thêm ly kỳ, liêu trai. Nhưng quả thực, chỉ cần nhìn những gì đang có, và lật giở lịch sử về hồ phía Tây thành Thăng Long, sẽ thấy Hồ Tây ẩn chứa biết bao điều bí ẩn. Chỉ lược sơ, những tên từng được dùng để gọi như: hồ Xác Cáo, Dâm Đàm, Lãng Bạc… và Hồ Tây ngày nay còn lưu giữ lại một vài ngôi mộ lúc ẩn lúc hiện giữa sóng nước.
Ngôi mộ hiếm hoi xâm xấp nước trên mặt Hồ Tây chỉ nổi khi nước cạn
Xưa kia Hồ Tây chỉ là một nhánh cụt của sông Hồng, không rộng tới 560 ha và chứa tới 8 triệu mét khối nước như hiện nay. Bên Hồ Tây có hàng chục làng mạc cổ, cánh đồng, ruộng vườn bám ở mép hồ và cũng có hàng chục cái nghĩa địa, để chôn cất những người trong làng, hoặc chôn người chết ở các làng phía trong bãi.
Trong sử sách cũng chép, thời Lê, khi chiến tranh với nước Chămpa, các tù binh đều được tạo điều kiện cho họ lập kế sinh nhai bằng cách khai hoang vùng đất rậm rạp, heo hút quanh Hồ Tây.
Người Chămpa sinh sống lâu ngày, lập lên những ngôi làng đặc thù quanh Hồ Tây suốt hàng trăm năm trời. Sống ven hồ, chết cũng ở ven hồ, nên dưới đáy Hồ Tây, có thể vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ của quần thể dân cư từ xa xưa.
Tuy nhiên, thời gian đã quá lâu, lớp bùn đất bồi lấp, dìm những nghĩa địa này xuống rất sâu.
Hồ Tây là một trong những thắng cảnh tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, nhưng ít ai biết rằng, dưới đáy Hồ Tây có rất nhiều nghĩa địa cổ.