Một nghiên cứu vừa được xuất bản gần đây đã biết một loại polymer mới với độ cứng cao và các thuộc tính giống kính có thể tự hồi phục chính nó bằng cách áp dụng một lực nhấn tay nhẹ, có khả năng được ứng dụng để sản xuất màn hình smartphone trong tương lai.
Theo PhoneArena, thông thường vật liệu polymer có khả năng tự hồi phục sẽ đòi hỏi một lượng nhiệt lên đến 120 độ C. Tuy nhiên vật liệu polymer mới được phát triển này lại không cần nhiệt độ cao như vậy. Và đây cũng không phải lần đầu tiên người ta phát triển được một loại vật liệu có khả năng tự hồi phục, có thể ứng dụng để sản xuất các loại màn hình như thế này.
Trong tương lai, với vật liệu mới, bạn sẽ không phải ngại điện thoại bị vỡ màn hình như thế này nữa.
Hồi tháng 3 vừa qua, các nhà hoá học tại Đại học California và Đại học Colorado ở Mỹ đã phát hiện ra một loại vật liệu tự hồi phục với khả năng kéo dãn ra đến 50 lần so với kích thước ban đầu. Hồi tháng 8, Motorola cũng công bố hãng đã được cấp bằng sáng chế một loại màn hình có khả năng tự hồi phục.
Nghiên cứu mới này được đăng trên tờ Science, được phát triển bởi Đại học Tokyo, đứng đầu bởi Giáo sư Takuzo Aida. Giống như nhiều phát kiến trong lịch sử loài người, loại vật liệu này được tìm ra… một cách tình cờ. Một sinh viên với biệt danh Yu Yanagisawa nhận thấy các cạnh đã bị cắt của polymer sẽ dính lại với nhau khi được nhấn xuống bởi lực tay ở 21 độ C. Yu cho rằng anh đã tạo ra được một loại keo dính mới, nhưng thực ra kết quả thu được là một loại vật liệu mới có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra các màn hình smartphone có khả năng tự hồi phục trong tương lai.
Sẽ đến một ngày không xa, chúng ta sẽ được cầm trên tay những chiếc smartphone mà khi vô tình đánh rớt, bạn có thể vô tư ngồi xuống uống một cốc cafe trong khi các vết nứt trên màn hình tự từ biến mất, và bạn lại có một chiếc smartphone mới như chưa từng có điều gì xảy ra.