Lời giải mới cho bí ẩn về “giác quan thứ 6”

Lời giải mới cho bí ẩn về

Trong cuộc sống, chúng ta đều có ít nhất 1 lần được linh tính mách bảo. Linh cảm hay linh tính đó được gọi là “giác quan thứ 6”. Hiện nay mặc dù khoa học đã rất phát triển nhưng “giác quan thứ 6” luôn là một trong những bí ẩn chưa có lời giải của các nhà khoa học.

Câu chuyện thời xưa về “giác quan thứ 6”

Nhà bác học Nga, Mendeleev (1834 – 1907), người phát minh ra định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học, đã nhìn thấy rõ toàn bộ bảng tuần hoàn hiện ra trước mắt trong giấc mơ. Điều này có thể giải thích được vì có lẽ ông đã nghiên cứu hàng chục năm vấn đề này và đến khi chín muồi thì kết quả đã hiện ra trong giấc mơ, ông chỉ việc ngồi bật dậy và chép lại.

Nhà thơ Nag Lermontov (1814-1841) đã kể lại câu chuyện khi ông còn là sĩ quan biên phòng ở Kabkaz. Có một hôm ông đang ngồi đánh bài với lính của mình và nhìn thấy một người có vẻ mặt khác lạ so với ngày thường, ông bèn nói với người ấy: “Anh phải đề phòng, có lẽ anh sắp bị chết bất đắc kỳ tử. Đêm nay, anh nên ngủ lại ở đồn biên phòng và sáng mai hãy về“. Người lính ấy không tin, ra về và dọc đường đã bị một người say rượu đâm chết.

Nhà chính trị người Anh Churchchill (1874-1965), được giải thưởng Nobel văn học năm 1953, hai lần làm Thủ tướng nước Anh (1940-1945) và (1951-1955), một lần thoát chết trong trận oanh tạc của không quân phát xít Đức là do linh tính mách bảo. Năm 1944, ông Churchchill vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay oanh tạc của Đức ập đến. Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe đi. Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà vòng chạy ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, làm thành một hố bom lớn, ngay chỗ Churchchill vừa đứng. Trong tập hồi ký của ông, Churchchill viết: “Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng”.


Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874 – 1965).

Đến đây một câu hỏi đặt ra: “Những người bình thường có khả năng linh cảm không?”. Như trên đã nói, ai cũng có ít nhiều khả năng này.

Vào năm 1966, trong một buổi sáng lạnh lẽo tại ngôi làng chuyên về khai thác than nằm ở miền Nam xứ Wales, Abefan, người ta bất ngờ nghe thấy một chấn động khủng khiếp.

Sự dồn nén của nước và các mảnh vỡ tích tụ từ việc khai thác mỏ đã gây ra một tảng đất cực lớn lở xuống từ trên núi phá hủy bất cứ thứ gì nằm trên đường đi của nó.

Trận sóng thần của đá và đá phiến sét đã phá hủy toàn bộ các lớp học tại trường tiểu học Pantglas. Chỉ trong giây lát, 116 trẻ em và 28 người lớn đã bị chôn sống dưới lớp bùn đen ẩm ướt dày cả mét.

Trước ngày xảy ra thảm họa trên, Eryl Mai, một nữ sinh học ở trường tiểu học Pantglas đã nói chuyện với mẹ mình rằng mình đã mơ thấy các lớp học bị phá hủy và không có ai ở đó.

Tất cả bị che phủ bởi một cái gì đó có màu “đen”. Cha mẹ cô bé đã không hề tin vào những gì cô bé nói dẫn tới việc Eryl và 115 bạn học của mình thiệt mạng trong ngày sau đó.

Và đứa trẻ đã chết vào ngày hôm sau khi bị chôn sống cùng với hai người bạn khác của mình là Peter và June trong vụ lở đất kinh hoàng ở Abefan, ngày 21/10/1966.

Năm 1994, thời báo Scandal Times của Mỹ đã đăng một câu chuyện lạ về giấc mơ của một người mẹ. Đó là vào năm 1865, một cậu bé tên là Maks Hoffman 5 tuổi ở bang Wisconsin (Mỹ) đã qua đời bởi căn bệnh tả và mọi người đã chôn chú bé.

Ngay đêm hôm bị chôn cất, người mẹ đã nghe thấy tiếng cậu con trai của mình kêu cứu trong giấc mơ. Bà liền gọi chồng xin ông cứu con nhưng người chồng từ chối và cho rằng vợ mình vì quá thương nhớ con nên thế.


Linh cảm của người mẹ đã cứu được người con trai của bà

Nhưng đêm sau nữa, bà mẹ lại mơ thấy con mình kêu cứu trong tư thế nằm nghiêng về phía bên phải, 2 tay xếp dưới má phải. Bà đã cầu xin người nhà làm theo ý nguyện của mình. Thương tình, mọi người đồng ý và đào mộ cậu bé lên.

Khi nắp quan tài vừa mở, ai cũng sửng sốt vì thấy cậu bé nằm đúng tư thế mà người mẹ nhìn thấy trong mơ. Dù không còn có dấu hiệu của sự sống nhưng người cha bỗng nhiên bế cậu bé lên mặt đất và làm hô hấp nhân tạo.

Sau 1 giờ, cậu bé đã tỉnh. Cả gia đình đưa cậu bé đến bệnh viện và ít ngày sau thì bệnh tả đã được chữa khỏi hoàn toàn. Maks Hoffman đã sống tới 80 tuổi (1860-1940) tại thành phố Lincoln (bang Iowa, Mỹ).

Vật kỷ niệm quý giá nhất đời ông là cái núm sắt nhỏ ở nắp quan tài mà từ trong đó, ông đã được cứu sống nhờ giấc mơ của người mẹ.

Nhiều linh cảm “giác quan thứ 6” đã cứu sống rất nhiều người

Ông Barrett Naylor ở Mỹ, là người làm việc quản lý tài chính ở Trung tâm Thương mại, trên đường đi làm vào ngày 26/2/1993 bỗng nhiên ông có linh cảm rất mạnh rằng hôm nay mình không nên đến công ty.

Vì ông thấy có gì đó không may mắn, vì thế ông liền gọi điện xin nghỉ rồi trở về nhà, kết quả sáng hôm đó đã xảy ra vụ đánh bom tại Trung tâm Thương mại. Vào 8 năm sau, chính vào buổi sáng ngày 9/11/2001, ông lại gặp linh cảm mãnh liệt về chuyện không may mắn tương tự và cũng nghĩ mình nên trở về nhà.

Khi gọi điện đến công ty ông cũng nhắc lại chuyện linh cảm này trước đây với đồng nghiệp, thế rồi sau khi trở về nhà ông xem được tin tức xảy ra vụ khủng bố 9/11 và không dám tin mình có thể thoát được tai nạn khủng khiếp này.

Lý giải của khoa học

Chúng ta vẫn nghe thấy nhiều người nói về “giác quan thứ 6” – khái niệm chỉ khả năng tiếp nhận thông tin của con người qua một kênh siêu nhiên, vượt trội hơn hẳn 5 giác quan bình thường kia. Qua đó, người này có thể linh cảm, dự đoán một điều tốt đẹp hoặc không hay sắp xảy đến trong tương lai. Tuy vậy, khả năng siêu phàm này vẫn là một bí ẩn lớn với nhân loại.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Australia đã chỉ ra, việc nhìn thấy tương lai hay cảm nhận những điều kỳ bí sắp diễn ra là một thủ thuật của não. Theo đó, tâm lý con người chỉ ý thức được một số ít những ấn tượng cảm nhận bằng 5 giác quan cơ bản: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Những ấn tượng còn sót lại được bộ não cất giữ trong tiềm thức, luôn sẵn sàng đưa ra sử dụng.

Tuy nhiên, trước một vài vấn đề, bộ não con người ngay lập tức đã không đưa được ra cách xử lý thông tin, nên đã tạo ra một cảm giác mơ hồ, không hoàn toàn giải thích được.

Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đã mời các tình nguyện viên cùng theo dõi hai bức tranh miêu tả một phụ nữ cùng cặp hình ảnh màu sắc khác nhau. Trong một số lần hình ảnh xuất hiện, kiểu tóc, trang sức, cách trang điểm… của phụ nữ trong bức ảnh sẽ thay đổi. Mỗi bức ảnh sẽ xuất hiện trong 1,5 giây.

Sau khi quan sát hai bức tranh, người tham gia sẽ được hỏi về sự thay đổi xuất hiện trong các bức tranh và được yêu cầu chọn từ một danh sách gồm 9 sự gợi ý, từ hoa tai, vòng cổ, kính, mũ, son môi, quần áo, kiểu tóc…

Kết quả cho thấy, những người tham gia có thể cảm nhận thấy sự thay đổi ngay cả khi họ không thể xác định chính xác những gì đã đổi thay. Hay nói cách khác, mọi người hoàn toàn có thể “cảm thấy”, “linh tính” được sự thay đổi đã xảy ra mà không thể mô tả chính xác nó.

Tiến sĩ Howe thuộc trường ĐH Melbourne đã cho biết: “Một sự thật là nhiều người có thể cảm nhận, linh cảm, tưởng tượng được một điều gì đó mà không cần phải dựa vào giác quan truyền thống như nhìn, nghe, nếm, ngửi và chạm để xác định. Khả năng này được cho là giác quan thứ 6 – ESP”.

Tiến sĩ Howe cho rằng, tiềm thức không bao giờ ngưng hoạt động, luôn luôn tích lũy nhờ những thông tin, kinh nghiệm và trí nhớ. Nó là cái kho vô tận để nảy sinh các linh cảm. Cho nên linh cảm không phải là chuyện may mắn, linh cảm chỉ xuất hiện trên một bộ não đã được chuẩn bị sẵn sàng, cùng với sự tư duy phân tích logic để cung cấp những “đầu mối” mà thôi.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí PLoS ONE.

 

Theo Tổng hợp