Nước ta thuộc vào nhóm các nước đang phát triển có mức sống còn khiêm tốn, bình quân thu nhập đầu người còn thấp. Với truyền thống trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước, nhân dân ta cần cù lao động, chịu thương chịu khó, song hành với thực tế đó, các tác phẩm văn học, thơ ca thường ca ngợi người nghèo khổ và có cái nhìn tương đối khắt khe với những gia đình giàu có, sung túc. Theo đó, nhiều tác phẩm văn học dân gian, truyện cổ tích thường có khuôn mẫu chung: người nghèo là tốt, người giàu là không tốt.
Hiện nay, vẫn còn hai luồng ý kiến trái ngược nhau, người thì cho rằng những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong các gia đình nghèo sẽ ngoan hơn, số khác lại cho rằng không phải vậy, sinh ra trong các gia đình giàu có sung túc, con mới có điều kiện phát triển tốt. Trên thực tế, điều nào cũng có những mặt hay, mặt tốt và hiện hữu những hạn chế riêng…
Trẻ được sinh ra, nuôi dưỡng, chăm sóc trong các gia đình sung túc sẽ được hưởng rất nhiều ưu thế. Thứ nhất, đứa trẻ được nuôi dạy chăm sóc tốt nên thường có thể lực tốt hơn. Thứ hai, trẻ có điều kiện để học trường tốt và học lên cao (học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ,…) và sớm tiếp cận với công nghệ tiên tiến của nhân loại (chẳng hạn, ngay từ nhỏ bé đã được chơi đồ chơi công nghệ cao, máy tính bảng,…) nên con đường đến với thành công dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Thứ ba, trẻ được tiếp cận với không gian sống, gặp nhiều người thành công nên khi trưởng thành cơ hội nhiều hơn. Thứ tư, bố mẹ các cháu thường là những người thành đạt trong công việc, cuộc sống, được học hành, đào tạo bài bản hơn nên nuôi dạy con khoa học hơn. Thứ năm, cha ông ta có câu “gần đèn thì sáng”, theo đó các cháu của các gia đình giàu có, sung túc có điều kiện tiếp cận với môi trường và nếp sống văn minh hơn nên thường có hành vi ứng xử lịch thiệp.
Bên cạnh mặt được thì có những hạn chế sau:
Thứ nhất, khả năng hòa nhập, giao tiếp với bạn bè, với xã hội sẽ hạn chế hơn (nếu gia đình ít cho trẻ tiếp xúc, ít cho trải nghiệm với những môi trường, điều kiện sống thấp hơn). Thứ hai, do điều kiện của gia đình sung túc đã đáp ứng hết mọi nhu cầu của trẻ nên thường là ý chí vượt khó của trẻ chưa cao. Thứ ba, thường là thiếu tự lập, ích kỉ, ít quan tâm ông bà, bố mẹ (nếu gia đình nuông chiều, có người giúp việc làm hết, không yêu cầu trẻ chăm sóc ông bà, bố mẹ). Thứ tư, do quan niệm xã hội cùng với một số tác phẩm văn học coi người giàu là không tốt và số trẻ của các gia đình sung túc cũng là số ít, nên số trẻ này đôi khi bị cô lập trong số đông. Thứ năm, thường là trẻ nhỏ ở các gia đình sung túc ít có ý thức tiết kiệm (do gia đình đáp ứng đủ và đôi khi quá nhu cầu cần thiết).
Tuy nhiên, nếu bố mẹ các gia đình sung túc biết nhìn nhận được những mặt mạnh để phát huy và những điểm hạn chế để có định hướng điều chỉnh, bổ sung thì họ sẽ có những đứa con phát triển một cách toàn diện và “hoàn hảo”.
Xem thêm
Làm đẹp sau sinh
Giam can sau sinh
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Thủy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.