Bạn cho rằng xem phim có kết thúc “không hậu” sẽ khiến người ta buồn, rồi phát sinh tâm lý tiêu cực? Các nhà khoa học lại có kết luận hoàn toàn ngược lại.
Trên mạng của Trường ĐH bang Ohio (Mỹ) vừa đăng bài viết lược thuật lại công trình của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Silvia Knobloch-Westerwick chủ trì, trong đó cho biết sau khi xem những phim bi (siêu phẩm Titanic chẳng hạn), người ta sẽ có những phản ứng tích cực với bản thân, với những mối quan hệ và với cuộc sống xung quanh.
Xem những bộ phim có kết thúc buồn như Titanic có thể mang lại nhiều ích lợi cho tinh thần? – (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc nghiên cứu của mình, tiến sĩ Knobloch-Westerwick và các cộng sự đã cho 361 sinh viên xem phim Atonement, một bộ phim được phát hành hồi năm 2007, kể về chuyện hai người yêu nhau bị chiến tranh chia rẽ.
Trước, trong và sau khi xem phim, các sinh viên phải trả lời hàng loạt câu hỏi để các nhà nghiên cứu “đo” sự thay đổi về cảm xúc, tinh thần của họ dưới tác động của chuyện phim.
Kết quả là phần đông người xem đều có phản ứng tích cực.
Cụ thể, họ đã “sử dụng” bộ phim như một cơ hội để đánh giá lại bản thân, qua đó tự thay đổi mình để trở thành người tốt hơn. Họ có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới người khác và có ý thức cao hơn trong việc duy trì những mối quan hệ tích cực.
Nữ khoa học gia này cho rằng mối quan hệ yêu đương thường là nguồn cảm hứng lớn nhất của con người. Thế nên, khi người ta suy nghĩ nhiều hơn về người mình yêu, có nghĩa là người ta cũng cảm thấy vui hơn. Điều này giải thích vì sao sau khi xem phim về các bi kịch tình yêu, người ta thường trở nên hạnh phúc hơn.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, phát hiện của họ phù hợp với các nghiên cứu tâm lý học trước đây, rằng tâm trạng buồn giúp người ta suy nghĩ nhiều hơn.
“Bi kịch trong phim không khiến bạn bi lụy rồi sụp đổ. Trái lại, bạn sẽ thấy mạnh mẽ hơn và kết quả là bạn sẽ yêu nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn”, bà Knobloch-Westerwick kết luận.