Nói chuyện với chính mình có thể khiến bạn trở nên ngớ ngẩn và khác thường trong con mắt người khác. Tuy nhiên, trên thực tế, nó thực sự là phương pháp mang lại nhiều lợi ích cho tư duy và nhận thức.
Hầu hết mọi người cứ vài ngày lại có ít nhất một lần “tâm sự với mình”. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng hành động này góp phần từng bước định hướng hành vi ở trẻ em, ví dụ như khi buộc dây giày, đó giống như những lời nhắc nhở bản thân tập trung vào công việc và xem xem phải làm gì ở bước tiếp theo.
Để tìm hiểu tác dụng đối với người lớn, các nhà tâm lý học đã tiến hành thí nghiệm trên một nhóm tình nguyện viên.
Nói chuyện 1 mình không có nghĩa là bạn đang có vấn đề về đầu óc.
Trước hết, người ta đưa ra hình ảnh của 20 đối tượng khác nhau và đề nghị tìm kiếm một vật cụ thể nằm trong đó, chẳng hạn như quả chuối. Một nửa số người tham gia được yêu cầu nói lại nhiều lần với chính mình về vật mà họ đang tìm trong khi những người còn lại thì giữ im lặng. Kết quả cho thấy câu nói mang tính định hướng này giúp nhóm thứ nhất tìm thấy quả chuối nhanh hơn nhóm thứ 2 khoảng 1/10 giây. (Thời gian trung bình để tìm thấy mục tiêu là 1,2 đến 2 giây).
Như vậy, nói chuyện 1 mình là phương pháp hữu hiệu góp phần làm tăng khả năng tư duy, nhận thức, giúp bạn suy nghĩ và tìm ra những ý tưởng mới, nhà tâm lý học Gary Lupyan (Đại học Wisconsin-Madison) cho biết.
“Tuy nhiên, hành động này sẽ không có tác dụng trong trường hợp bạn không biết gì về đối tượng cần tìm hiểu. Ngược lại, nếu bạn biết rằng chuối có màu vàng cũng như hình dạng cụ thể của nó, thì bằng cách lẩm bẩm từ “chuối”, các thuộc tính hình ảnh trong não sẽ được kích hoạt, giúp bạn tìm thấy chúng nhanh chóng và dễ dàng”, Lupyan nói.