Khuyên tai vẫn là một trong những kiểu trang sức đem lại vẻ kiều diễm nhất cho các cô gái, và tiếp đó, những kiểu bấm khuyên độc đáo khác như bấm ở vành tai, khuyên mũi, khuyên môi, thậm chí khuyên rốn nối tiếp nhau xuất hiện để giúp phái đẹp đa dạng hóa cá tính của mình. Cũng giống như các hình thức xăm môi, xăm lông mày, việc bấm khuyên gây đau đớn nhẹ, và cũng cần thời gian chăm sóc ban đầu giống như chăm sóc vết thương. Muốn đẹp thì phải chịu đau, và việc bấm khuyên đã không chỉ còn đơn thuần là một thủ thuật làm đẹp, bạn còn phải nghiêm túc coi đây là một cách chăm sóc về y tế và sức khỏe. Những lỗ bấm nhỏ xíu hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến cả nhan sắc lẫn làn da của bạn, vì vậy, ngoài việc tìm kiếm những cơ sở bấm khuyên uy tín, bạn còn phải biết cách chăm sóc đúng cách cho những lỗ bấm nhỏ xíu này để tha hồ tỏa sáng cá tính với những phụ kiện khuyên trang sức ấn tượng.
1. Không nên chọn bấm khuyên bằng súng bấm
(Ảnh: bodycandy)
Thay cho kiểu bấm khuyên bằng kim truyền thống, nhiều cơ sở hiện nay thường chuộng dạng “súng” bấm lỗ, nên hay có khái niệm “bắn lỗ tai”. Do dùng súng sẽ nhanh hơn, nên nhiều người cho rằng bấm lỗ bằng súng sẽ bớt đau đớn hơn. Nhưng sự thực là do kiểu súng bắn này tác động lực mạnh hơn, nên sẽ gây ra những tổn thương không cần thiết cho mô da của bạn. Quan trọng hơn, việc tiệt trùng công cụ này sẽ không được toàn diện như việc tiệt trùng những cây kim thông thường, vì nó còn có nhiều bộ phận làm bằng nhựa. Vì vậy, hãy ưu tiên chọn giải pháp bấm khuyên bằng mũi kim, vì mũi kim nhỏ sẽ tạo lỗ chính xác trên da, giảm thiểu tổn thương, và nếu được thực hiện bởi thợ lành nghề thì bấm khuyên bằng kim cũng không quá đau.
2. Không rửa vết bấm khuyên bằng cồn
(Ảnh: wikihow)
Bạn không nên rửa những vết khuyên mới bấm bằng cồn để sát trùng, vì cồn sẽ làm cho da khô, khiến da bị nứt nẻ và chảy máu, làm cho vết thương không lành được. Để làm sạch vết bấm khuyên, hãy dùng xà bông gốc dầu tự nhiên để rửa sạch mà vẫn cung cấp độ ẩm làm mềm các mô đang lành, hoặc dùng nước muối để rửa sạch một cách dịu nhẹ.
3. Hạn chế xoay khuyên bấm
(Ảnh: whstatic)
Nếu bạn có thói quen là hay xoay những chiếc khuyên bấm khi đang đeo nó thì hãy nên bỏ ngay thói quen xấu này. Nếu muốn xoay để có thể lau sạch chiếc khuyên, hãy làm ướt vùng da đeo khuyên, còn khi cả khuyên đeo và da đều đang khô, bạn không nên di chuyển khuyên đeo, nếu không sẽ gây ra sự cọ xát làm đau da và thịt, gây kích ứng cho vùng da đeo khuyên bị ửng đỏ.
4. Vết bấm khuyên vùng sụn sẽ lâu lành hơn
(Ảnh: cuded)
Những vết bấm ở trên sụn như bấm khuyên vành tai, khuyên mũi v.v… sẽ có thời gian lành lâu hơn, dù khi bấm bạn không cảm thấy đau đớn hơn. Vì vậy, ngoài vấn đề thẩm mỹ, bạn nên chọn thời điểm bấm khuyên thích hợp để đảm bảo không gặp rắc rối với những vết khuyên bấm chưa lành.
5. Chú ý thời gian vết bấm lành
(Ảnh: pinimg)
Các vết bấm khuyên ở vùng da mềm như dưới tai sẽ lành hoàn toàn trong khoảng 2-3 tháng; còn các vết bấm ở vùng sụn sẽ mất từ 3-10 tháng để lành. Nếu vết bấm của bạn mất nhiều thời gian hơn mà vẫn chưa lành hẳn thì nên chú ý cảnh giác. Một vết bấm được coi là lành hẳn khi bạn không còn cảm giác đau, không bị sưng, hết rỉ nước và không còn ửng đỏ.
6. Luôn kiên trì chăm sóc
(Ảnh: whstatic)
Để một vết bấm khuyên lành lặn 100%, người bấm khuyên phải thực sự kiên trì. Bởi lẽ, phản xạ tự nhiên của cơ thể là sẽ tìm mọi cách đào thải dị vật – trong trường hợp này chính là chiếc khuyên của bạn – nên bạn phải đợi thời gian để cơ thể “tiếp nhận” vật thể này. Hãy thường xuyên dùng xà bông và nước để giữ cho vết bấm được sạch sẽ. Nếu vết bấm bị sưng, hãy dùng đá lạnh để chườm.
7. Giữ bình tĩnh
(Ảnh: tumblr)
Bạn luôn phải cảnh giác trước những triệu chứng bất thường của vết bấm khuyên, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải hoảng loạn khi thấy vết bấm khuyên sưng to hơn, hay đỏ, nóng, rỉ nước nhiều hơn bình thường. 90% khả năng là vết bấm của bạn chỉ bị kích ứng chứ không phải bị nhiễm trùng. Khi gặp những vấn đề không thể tự xử lý, bạn không nên hỏi bạn bè hay tra cứu trên mạng, hãy đi gặp bác sĩ. Nếu bạn đi bấm khuyên ở những cơ sở uy tín và bạn thực sự tin tưởng người đã bấm khuyên cho bạn, hãy luôn đến gặp họ để tìm sự tư vấn và giải thích, trước khi cảm thấy thực sự phải đi khám ở bệnh viện.
Eve Nguyễn(Tổng hợp)
Một số công thức làm đẹp khác mà bạn có thể tham khảo thêm:
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.