Người trẻ khi mới khởi nghiệp thường hay có những suy nghĩ hoang mang về định hướng sống cũng như mục tiêu công việc của mình, có người thì có tư tưởng đứng núi này trông núi nọ, có người lại không thể trả lời cho mình câu hỏi “Mình muốn gì? Mình có thể làm gì?”, bài viết này sẽ gợi ý cho các bạn trẻ có được những tư duy đúng đắn trong việc xác định mục tiêu và kỹ năng chuyên môn cũng như mục đích sống của bạn một cách hiệu quả, làm tiền đề cho sự thành công trong cuộc sống của bạn ở tương lai.
Biết mình là ai
Căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh” luôn tồn tại và khó chữa ở một số người trẻ. Vừa ra trường, hoặc vừa ra nghề, kinh nghiệm không có, chỉ có một tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi mà đã hét giá với nhà tuyển dụng và đòi hỏi mức lương trên trời vì tấm bằng mà bạn có được sau vài năm đi học là chuyện rất nực cười.
Nhà tuyển dụng họ chỉ trả lương cho kinh nghiệm làm việc và năng lực chuyên môn của bạn, họ sẽ tuyệt đối không trả phí để mua tấm bằng đại học của bạn, dù bạn có là sinh viên giỏi toàn diện thì đó cũng chỉ là một yếu tố nền tảng để nhà tuyển dụng xem xét, đánh giá bạn mà thôi!
Trong cuộc chiến công việc ở các doanh nghiệp tư nhân thì năng lực luôn là cán cân công bằng để đánh giá ứng viên, nhất là với những mặt tiêu cực vẫn còn tồn đọng trong hệ thống giáo dục các cấp tại Việt Nam.
“Biết mình là ai?” sẽ giúp bạn ý thức được vị trí hiện tại của mình, từ đó có thể biết công việc và mức lương hiện tại, cũng như việc bạn có thể làm gì cho công ty mà bạn đang ứng tuyển.
“Nhất nghệ tinh – Nhất thân vinh”
Có nhiều người trẻ từng chạy rất nhiều công việc từ những năm tháng họ là sinh viên trong trường Đại học. Việc bạn có nhiều kĩ năng làm việc đa dạng là một điều tốt nhưng người xưa đã đúc kết “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” không phải không có lý. Hãy tìm trong những kĩ năng mà bạn có một kĩ năng chuyên môn tốt nhất, nổi bật nhất mà bạn tự tin: Ví dụ bạn có nhiều kĩ năng như đàm phán, thương lượng, đánh máy nhanh, tập trung cao độ, lãnh đạo, phối hợp nhóm, phát hiện lỗi…thì hãy xem mình tự tin làm tốt nhất ở kĩ năng nào và phát triển nó.
Hãy lựa chọn hoặc tìm ra một kĩ năng “độc” nhất ở bạn mà các ứng viên khác không có, đó chính là “con át chủ bài” cho cuộc đua năng lực của bạn. Làm tốt kĩ năng đó bạn sẽ tập trung được với công việc và không mất thời gian để ôm đồm quá nhiều thứ, gây xao lãng và kém hiệu quả.
“Làm tớ người khôn còn hơn làm thầy người dại”
Hãy tìm một người giỏi về năng lực chuyên môn và có mục đích sống rõ ràng để học hỏi từ họ. Có thể người đó sẽ không thể ngay lập tức cho bạn những lời khuyên xác đáng về con đường thành công của họ, nhưng chí ít khi bạn có cơ hội nói chuyện với họ, hãy tìm hiểu thời điểm họ bằng tuổi bạn và con đường đi của họ trên bước đường sự nghiệp cũng như cuộc sống phải trải qua điều gì, với họ điều gì là quan trọng nhất và họ đã từng trả giá vì thất bại chưa? Lắng nghe câu chuyện của họ bạn sẽ tìm ra kết luận cho riêng mình.
Luôn có deadline từng ngày
Việc lập những deadline luôn khiến bạn trở nên tập trung cao độ và gây được sự hưng phấn trong khi thực hiện công việc đó. Cảm giác luôn hoàn thành deadline trong một khoảng thời gian nhất định sẽ cho bạn một động lực lớn để vượt qua những khó khăn khi làm việc.
Không nên thân thiết với những người có tư tưởng tiêu cực
Hãy gần với những người có tư tưởng lạc quan và có mục đích sống rõ ràng, bạn sẽ “lây” tính lạc quan từ họ, điều này rất tốt cho cách nhìn nhận về cuộc sống của bạn. Nếu bạn chơi với nhóm người có tính tiêu cực thì phản ứng sẽ tương tự, bạn sẽ thường xuyên có tư tưởng ỷ lại, buông xuôi, chán nản…những “phẩm chất” đó luôn là tiền đề của một kẻ thất bại.
Lập kế hoạch dài hạn
Hãy lập cho mình những kế hoạch 3 năm, 5 năm và lên đề cương càng cụ thể càng tốt, hình dung ra việc mình sẽ làm gì trong vòng một năm, trong ba năm tới mình muốn có điều gì và đạt mục tiêu deadline cho từng ngày phải hoàn thành. Mọi ước mơ sẽ mãi chỉ là viển vông, ảo tưởng nếu như bạn chỉ ngồi nghĩ và không làm gì cả. Mong muốn sẽ trở thành sự thật với những ai biết cố gắng hết mình để đạt được nó.
Bổ sung kĩ năng mềm
Kĩ năng mềm luôn là một yếu tố quyết định trong công việc của bạn dù là ở bất cứ môi trường nào. Để hiểu thêm về kĩ năng mềm là gì? Bạn có thể tham khảo tại đây.
Chúc bạn sẽ có được những ý tưởng táo bạo và một định hướng rõ ràng cho công việc và cuộc sống của mình!
Nam Trung
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.