Giống lợn có nguồn gốc ở Hungary thường dễ bị nhầm lẫn với cừu, vì có lớp lông dày và xù bao phủ khắp cơ thể.
Mangalitsa hay Mangalica là một giống lợn hiếm có nguồn gốc ở Hungary. Đặc điểm kỳ lạ của loài lợn này là lớp lông dày, dài, xù xì bao phủ khắp cơ thể như lông cừu.
Lớp lông dày có thể có màu đen, đỏ, xám, nhưng phổ biến nhất là màu vàng hoe. Lincolnshire Curly Coat là một giống lợn từng được biết đến với đặc điểm gần như tương tự, tuy nhiên đã tuyệt chủng.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình nhân giống lợn Mangalitsa bắt đầu từ những năm 1980.
Lợn Mangalitsa không yêu cầu chế độ chăm sóc đặc biệt, thức ăn chủ yếu của chúng là lúa mì, ngô, lúa mạch, cỏ… Thịt lợn Mangalitsa được coi là một trong những loại thịt ngon nhất thế giới.
Từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1950, đây là giống lợn phổ biến nhất ở Hungary. Mỡ lợn được dùng để sản xuất xà phòng, nến, mỹ phẩm, thậm chí cả dầu nhờn công nghiệp.
Nhu cầu sử dụng mỡ lợn giảm dần từ khoảng giữa thế kỷ 20. Giống lợn này dần được thay thế bằng các giống khác, nhiều thịt và ít béo hơn. Đến cuối những năm 1970, lợn Mangalitsa chỉ có thể được tìm thấy ở vườn thú và công viên tại Áo. Trong khi đó tại Hungary, số lượng lợn nái chỉ còn chưa đầy 200 con.
Mangalica gần như tuyệt chủng vào giai đoạn những năm 1990, với chưa đầy 200 cá thể.
Năm 1994, Tổ chức Nhân giống lợn Mangalica của Hungary được thành lập nhằm bảo vệ giống lợn kỳ lạ này. Ngày nay, có hơn 8.000 con lợn nái đang được nuôi tại đây, với số lượng sinh sản trung bình mỗi năm là 60.000 con. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể giúp lợn Mangalica thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo Vnexpress