Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland, Australia đã phát hiện rằng cây lúa hoang ở bang này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu.
Giáo sư Robert Henry, Giám đốc Liên minh Nông nghiệp và Cải cách Lương thực Queensland (QAAFI) cho biết, hiện ở châu Á hầu như không còn các giống lúa hoang do việc mở rộng gieo trồng các giống lúa thuần chủng đã loại bỏ sự hiện diện của cây lúa hoang.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ở bình diện quốc tế, người ta hiện đã bắt đầu sử dụng các giống lúa hoang của Australia để gây giống vụ mùa, qua đó có thể đối phó với những căng thẳng mới đối với môi trường và giúp đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực trong tương lai.
Vấn đề này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là ở châu Á và các nước có dân số đông nhưng khả năng sản xuất lương thực hạn chế.
Giáo sư Henry nhấn mạnh Australia có nền nông nghiệp đa dạng, không những dễ hòa nhập và thích nghi với môi trường của nước này mà còn với môi trường toàn cầu.
Cùng với các đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu Nhân loại và Tự nhiên ở Kyoto, Nhật Bản, giáo sư Henry và mạng lưới các nhà khoa học Australia đang thăm dò các mối liên hệ giữa các giống lúa của Australia và Nhật Bản.
Các phòng thí nghiệm của QAAFI đã sử dụng công nghệ ADN để thử nghiệm khả năng lai tạo những giống lúa này.
Cây lúa được thuần chủng ở châu Á khoảng 7.000 năm trước đây, có thể sau khi mực nước biển dâng đã chia tách Australia khỏi châu Á. Cây lúa hoang ở Australia hiện nay có thể tương tự như cây lúa từng hiện diện ở châu Á trước khi diễn ra quá trình thuần chủng trên.
Ông Henry cho rằng cây lúa hoang của Australia có tiềm năng sử dụng để bổ sung tính đa dạng sinh học cho các giống lúa đang canh tác hiện nay, qua đó tăng khả năng chịu hạn và sâu bệnh.
Theo VietnamPlus