Bức ảnh một con kiến nhỏ xíu dùng răng giữ một vật nặng gấp 100 lần khối lượng của nó ở tư thế lộn ngược đã giành giải nhất trong cuộc thi ảnh khoa học tại Anh.
Con kiến vàng đỏ mang một vật nặng gấp 100 lần trọng lượng cơ thể trong khi vẫn bám ngược vào bề mặt nhẵn. Ảnh: Telegraph. |
Theo Telegraph, tiến sĩ Thomas Endlein – một nhà khoa học của Đại học Cambridge, Anh – đã chụp bức ảnh nói trên khi ông và các đồng nghiệp tìm hiểu khả năng bám dính phi thường của chân kiến và các loại côn trùng khác. Con kiến trong ảnh – thuộc loài kiến vàng đỏ ở châu Á – bám ngược vào một mặt phẳng nhẵn và ngoạm một vật có khối lượng 500 mg.
Bức ảnh được gửi tới cuộc thi ảnh khoa học của Hội đồng nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học Anh (BBSRC).
“Tác phẩm giành giải nhất vì nó đẹp và cho người xem thấy sự phức tạp của hoạt động nghiên cứu khoa học”, BBSRC tuyên bố.
Kiến vàng đỏ sử dụng bàn chân và cẳng chân để bám vào các mặt phẳng. Theo tiến sĩ Endelin, kiến có thể thay đổi kích thước và hình dạng lòng bàn chân tùy theo khối lượng của vật thể mà chúng tha. Nếu phải mang vật quá nặng chúng tăng diện tích tiếp xúc của lòng bàn chân. Khi cần chạy nhanh chúng sẽ giảm diện tích đó.
Chân kiến cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động leo bám.
“Kiến nhấc chân ra khỏi mặt phẳng giống như cách chúng ta lột băng dính. Chúng giữ chân ở một góc hẹp so với mặt phẳng. Khi muốn nhấc chân chúng tăng góc đó lên để có thể rút chân dễ dàng”, tiến sĩ Endelin giải thích.
Theo VnExpress