Lướt web trong lòng biển

Các nhà nghiên cứu đến từ New York (Mỹ) vừa tạo ra một khái niệm mới là “lướt web trong lòng biển”.

Họ đã thành công trong việc chuyển dữ liệu từ dưới đáy hồ Erie đến thiết bị tiếp nhận và hy vọng sẽ tạo ra một chuẩn công nghiệp mới cho thông tin liên lạc dưới lòng đại dương.

Công nghệ này không chỉ chuyển giao dữ liệu thu thập được cho các tàu ngầm mà còn theo dõi hoạt động của các loài cá, loài thú có vú cũng như dự đoán sớm hiểm họa sóng thần.

Trang Daily Mail dẫn lời Giáo sư Tommaso Melodia tại Đại học Buffalo cho biết, kỹ thuật thông tin này còn giúp thu thập và phân tích dữ liệu trong lòng đại dương theo thời gian thực, qua đó có thể thăm dò dầu khí và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Những thông tin còn cho biết sớm sóng thần và các thiên tai khác.

Theo Cơ quan Kiểm soát đại dương và bầu khí quyển Mỹ (NOAA) thì mạng truyền thống sử dụng sóng vô tuyến gửi dữ liệu qua vệ tinh và ăng ten chỉ hữu hiệu trên mặt đất, việc truyền dẫn radio dưới lòng biển rất yếu. Vì vậy NOAA đánh giá cao phương thức mới này. Hệ thống Melodia giải quyết vấn đề bằng cách gửi dữ liệu thu thập được từ mạng lưới cảm biến dưới nước đến máy tính xách tay, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử di động khác sử dụng sóng âm thanh mà không cần dây dẫn theo thời gian thực.

Thử nghiệm mới nhất của Melodia là thả 2 cảm biến xuống hồ Erie (ảnh). Các cộng sự là Hovannes Kulhandjian và Zahed Hossain đã gõ các dòng lệnh từ laptop để kích hoạt các cảm biến này và chỉ một giây sau đã có thể thu được tín hiệu phản hồi.

 

Theo Thanh Niên