Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ra, cách chúng ta lưu giữ những giấc mơ và đưa ra lời giải vì sao một số người không thể nhớ lại được giấc mơ của mình vào sáng hôm sau.
Các chuyên gia Pháp cho biết, họ xác định được hai loại ngủ mơ và chỉ một trong hai loại này mới khiến chúng ta ghi nhớ được chúng mà thôi. Để tìm hiểu sự khác biệt, nhóm nhà khoa học do Perrine Ruby – chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học thần kinh Lyon dẫn đầu đã tiến hành thử nghiệm với 41 tình nguyện viên, chia thành 2 nhóm. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng phát xạ Positron (PET) để xem xét hoạt động não của cả hai nhóm người này.
Nơi tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (TPJ) – một trung tâm xử lý thông tin ở bộ não
Theo đó, họ nhận thấy, vùng giữa vỏ não trước trán (mPFC) và nơi tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (TPJ) có liên quan đến sự định hướng trước các kích thích bên ngoài.
Chúng hoạt động tích cực hơn ở những người có khả năng nhớ lại giấc mơ cao. Việc tăng hoạt động ở vùng não này được cho là có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mã hóa giấc mơ vào ký ức trong khi chúng ta ngủ.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Neuropsychopharmacology cũng chỉ ra, những người có khả năng hồi tưởng lại giấc mơ cao có số lần tỉnh giấc trong khi ngủ cao gấp hai lần người còn lại. Bộ não của họ cũng phản ứng mạnh hơn với các kích thích thính giác trong giấc ngủ và khi tỉnh táo.
Perrine Ruby, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Sự tăng phản ứng não này có thể thúc đẩy hành vi tỉnh giấc vào ban đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghi nhớ các giấc mơ trong giai đoạn tỉnh táo ngắn ngủi. Trong thực tế, bộ não đang ngủ không có khả năng ghi nhớ thông tin mới. Do đó, nó cần phải được đánh thức để có khả năng làm việc đó”.
Nhà tâm lý học thần kinh Nam Phi – Mark Solms từng quan sát và nhận thấy, các thương tổn ở hai vùng não mPFC và TPJ đã dẫn tới việc chấm dứt sự gợi nhớ các giấc mơ.
Theo ông, vẫn cần tiến hành thêm nghiên cứu bởi phát hiện của các chuyên gia Pháp mới chỉ ra có sự khác biệt về việc ghi nhớ giấc mơ nhưng không loại trừ khả năng, người có khả năng gợi nhớ giấc mơ cao lại mơ nhiều hơn người còn lại.