Sớm hay muộn các đối thủ như BMW hay Toyota cũng sẽ có những chiếc xe chạy điện thuần túy. Nếu không thể tự phát triển công nghệ xe tự lái, họ có thể nhờ cậy đến Google. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Elon Musk cần phải lo lắng: các Model Tesla vẫn sở hữu một thế mạnh cực kỳ đơn giản nhưng lại cực kỳ khó bắt kịp.
Bất chấp những bản báo cáo tài chính thảm hại từ quý này sang quý khác, Tesla vẫn được coi là tương lai của xe hơi. Trong suốt 1 năm qua, hãng này đã luôn đứng trong top các hãng xe có trị giá thị trường lớn nhất thế giới. Thậm chí, trong nhiều tháng, Tesla còn vượt mặt cả GM lẫn Ford để trở thành thương hiệu xe hơi đứng số 1 nước Mỹ.
Hãy nhìn những phản hồi dành cho chiếc xe đầu kéo mới được Tesla ra mắt gần đây. Khi Pepsi đặt hàng vỏn vẹn… 100 xe, cổ phiếu Tesla đã tăng hẳn 7% trong vài ngày. Có vẻ như, cứ mỗi lần Elon Musk vén màn sản phẩm mới, người ta lại quên luôn về các bản báo cáo tài chính thảm hại. Đầu tháng 11, Tesla còn khiến người hâm mộ lo lắng vì chỉ sản xuất được vỏn vẹn… 222 chiếc Model 3 trong quý 3 vừa qua.
Ngay cả với những sản phẩm ấn tượng như Semi, người ta cho rằng Tesla sớm muộn sẽ bị bắt kịp bởi các hãng xe truyền thống.
Nếu đặt câu hỏi “Vì sao Tesla được yêu quý”, bạn sẽ càng thấy lo lắng hơn. Nhắc đến Tesla, 2 thế mạnh đầu tiên được nghĩ đến chắc chắn sẽ là “động cơ điện” và “xe tự lái”. Thế nhưng, theo chân Tesla, tất cả các hãng xe đều có xu hướng “điện hóa” sản phẩm của mình. Trong cuộc đua xe tự lái, Tesla không chỉ phải chống chọi với các thương hiệu xe truyền thống mà còn phải đối chọi với cả những công ty “thuần” công nghệ như Uber hay Google.
Sớm hay muộn, các hãng đều sẽ có xe điện. Google và NVIDIA sẽ mang bán công nghệ xe tự lái cho cả thế giới. Nhưng may mắn thay, Tesla vẫn còn một thế mạnh mà không phải bất cứ ai đều có được.
Thế mạnh siêu đơn giản
Mải mê nghĩ đến môi trường hay tới xe tự lái, nhiều người quên mất rằng tính thực dụng của xe điện nằm ở quãng đường chúng có thể di chuyển.
Thế mạnh khó đánh bại của Tesla nằm ở một linh kiện quen thuộc hơn bạn nghĩ rất nhiều: pin.
Tại sao ư? Hãy để ý rằng kể từ khi Tesla tạo ra trào lưu xe điện tới nay, các đối thủ vẫn chưa thể tạo ra một sản phẩm cạnh tranh thực thụ nào cả. Một hiện trạng trái ngược đang diễn ra: năm nào cũng vậy, dù là tại NAAS hay CES, các hãng xe đều chọn động cơ điện (và các công nghệ tự lái) làm trọng tâm cho các mẫu concept đình đám. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, Audi, Volvo hay Toyota vẫn chưa thể tạo ra những chiếc xe hạng sang có động cơ chạy điện thuần túy. Gần như hãng nào sản xuất xe điện cũng vẫn phải sản xuất xe hybrid.
Đối thủ đáng gờm nhất của Tesla về doanh số là Nissan Leaf mới có quãng đường di chuyển vào khoảng 120 dặm.
Lướt qua các bảng xếp hạng xe điện và bạn sẽ hiểu lý do đằng sau sự bất lực của các đối thủ truyền thống. Model S, Model X và thậm chí là cả chiếc Model 3 giá mềm đứng đầu bảng xếp hạng với quãng đường di chuyển tối đa vào khoảng 300 dặm (480km). Đối thủ đứng tiếp theo là Chevy Bolt với con số 238 dặm. Tất cả các mẫu xe còn lại trong top 10, bao gồm cả Nissan hay BMW, đều chỉ đạt được quãng đường khoảng 100 dặm cho mỗi lần sạc.
Chiếc Roadster được công bố mới đây thậm chí sẽ có quãng đường di chuyển cho mỗi lần sạc là 620 dặm. Tesla sẽ không để các đối thủ bắt kịp thế mạnh về pin, ngay cả khi các đối thủ ấy vẫn chưa thể hiện thực hóa một chiếc xe điện có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Con đường sống của Tesla
Không phải vô cớ mà trọng tâm đầu tiên của Gigafactory là các công nghệ pin.
Thực chất, các fan hâm mộ kỳ cựu của Tesla sẽ không cảm thấy bất ngờ. Khi hùng dũng tiến lên thị trường vào năm 2008 và khi Model S bắt đầu thành công vào năm 2012, công ty của Elon Musk đã phải đối mặt với vấn đề trầm trọng nhất của xe điện: quãng đường tối đa của chúng quá ngắn. Khi điện lưới dân dụng phải mất tới 3 ngày để sạc “đầy bình” cho ô tô điện và khi các trạm sạc nhanh vẫn còn quá thưa thớt so với trạm xăng, xe điện đơn giản là những cỗ máy không có tính thực tế.
Chính bởi lý do này mà Elon Musk không chỉ dành tâm trí cho những chiếc xe. “Siêu nhà máy” đầu tiên của Tesla được xây dựng không phải để sản xuất xe mà là để sản xuất pin dưới sự hợp tác của Panasonic. Hàng trăm trạm sạc được xây dựng trên khắp nước Mỹ và Châu Âu để tăng sức hấp dẫn cho các Model. Không dừng lại ở đây, Tesla còn cung cấp cả thiết bị lưu trữ điện (Powerwall) và năm ngoái cũng đã mua lại SolarCity, một trong những công ty dịch vụ tấm pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ.
Nếu Audi hay Volvo có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh với Tesla, họ sẽ phải tiếp tục đối mặt với một thử thách mới khó nhằn hơn.
Tất cả những bước đi này của Elon Musk sẽ giúp cho tương lai của Tesla trở nên tươi sáng hơn rất nhiều. Một hãng xe hơi truyền thống sẽ không gặp nhiều vấn đề khi… thiết kế xe hơi hay thậm chí là khi thay động cơ xăng/diesel bằng động cơ điện. Nếu không thể tự phát triển công nghệ tự lái, họ cũng có thể bắt tay với Google hay NVIDIA. Nhưng một khi đã có chiếc xe điện tự lái của riêng mình, Audi, Volvo hay Toyota đều sẽ phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn xa lạ: làm thế nào để phủ sóng trạm sạc ra cả một châu lục và làm thế nào để sản xuất được những viên pin khổng lồ nhưng an toàn.
Elon Musk đã nắm sẵn lời giải trong tay. Dù luôn ở thế ngàn cân treo sợi tóc, vị “Iron Man” đời thực hiểu rằng các đối thủ sẽ không thể đuổi kịp Tesla chỉ bằng những bản sao của Model S và Model X.
Theo Trí Thức Trẻ