Tàu Cassini đang trong hành trình đâm xuống bề mặt sao Thổ để tránh lây nhiễm vi khuẩn Trái Đất cho hai mặt trăng có thể chứa sự sống.
Trong khi bay quanh quỹ đạo sao Thổ, tàu vũ trụ Cassini trị giá 3,3 tỷ USD của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện các mặt trăng của hành tinh như Enceladus và Titan có thể chứa sự sống ngoài hành tinh, theo IFL Science. Theo quy định quốc tế về bảo vệ hành tinh, con người không được làm bất kỳ điều gì gây tổn hại tới những thiên thể này.
Mô phỏng tàu Cassini đâm xuống sao Thổ. (Video: NASA).
Cassini phát hiện những mạch phun nước trào ra từ các kẽ nứt trên Enceladus, dấu hiệu chắc chắn cho thấy có một đại dương ngầm dưới bề mặt thiên thể. Khi cạn nhiên liệu, con tàu cần được loại bỏ một cách an toàn bởi nếu để Cassini tiếp tục bay trên quỹ đạo, nó có thể đâm vào một trong những mặt trăng trong tương lai.
Dù Cassini hoạt động trong môi trường lạnh cóng của vũ trụ, phần bên trong thân tàu vẫn khá ấm áp, có thể nuôi dưỡng một số vi khuẩn từ Trái Đất. Tàu hoạt động nhờ một máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG), dựa vào sự phân rã plutonium-238 để cung cấp năng lượng vận hành. Nếu Cassini đâm vào Enceladus, tàu có thể làm tan chảy lớp băng dày bao phủ bề mặt và lây nhiễm vi khuẩn cho đại dương nước bên dưới.
“Họ không thể đảm bảo điều đó sẽ không bao giờ xảy ra trừ khi để tàu vũ trụ gia nhập quỹ đạo ở cách sao Thổ rất, rất xa hoặc cho nó đâm thẳng xuống hành tinh. Hành trình Grand Finale (Chặng kết lớn) đã nói rõ sự lựa chọn”, IFL Science dẫn lời Preston Dyches ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA.
Các nhà khoa học làm việc trong sứ mệnh Cassini đã lường trước kết cục này. Năm 2009, tàu Cassini hoàn thành nhiệm vụ cơ bản với sao Thổ và nhóm nghiên cứu đang cân nhắc hoạt động tiếp theo của tàu. Một đề xuất là đưa tàu bay xa hơn trong hệ Mặt Trời, tới sao Thiên Vương hoặc sao Hải Vương bởi tàu có đủ nhiên liệu để thực hiện hành trình. Một lựa chọn khác là để tàu tiếp cận sao Mộc.
Tổng quan về tàu vũ trụ Cassini đang tiếp cận sao Thổ. (Đồ họa: Việt Chung).
Cuối cùng, các nhà khoa học nhận thấy sao Thổ quá thú vị, do đó họ quyết định để con tàu ở lại và lên lịch trình cho nhiệm vụ mở rộng. Tàu Cassini tiếp tục bay quanh sao Thổ và các mặt trăng của hành tinh, truyền dữ liệu về nhiều khám phá quan trọng.
Nhưng Cassini không thể tránh khỏi kết cục cạn kiệt nhiên liệu. Lực đẩy tàu đến từ phản ứng đốt cháy giữa monomethyl hydrazine và nitrogen tetroxide. Các nhiên liệu này trên tàu có hạn, do đó dù nhiệm vụ trên sao Thổ được gia hạn, Cassini luôn sẵn sàng đón nhận một kết thúc trong tầm kiểm soát. Năm 2003, tàu vũ trụ Galileo của NASA cũng đâm xuống sao Mộc vì lý do tương tự, để tránh lây nhiễm vi khuẩn cho mặt trăng Europa.
Theo VnExpress