Lý giải khoa học về sự đầu thai chuyển kiếp

Lý giải khoa học về sự đầu thai chuyển kiếp

“Người ta giải thích rằng, khi con người chết đi, Diêm Vương sẽ mở sổ ghi chép đánh giá công, tội để cho đi tái sinh vào các cõi khác nhau”.

Có những đứa trẻ sinh ra không nhận cha mẹ mình hiện tại, chỉ nhận cha mẹ mình trong kiếp trước. Có nhiều trẻ nhỏ mới sinh ra đã là thần đồng âm nhạc, văn, toán học… và người ta cho rằng đó là do các siêu linh về các lĩnh vực này đầu thai vào… Thực tế có đúng như vậy và khoa học lý giải gì về các hiện tượng này?

Chết là hết hay sự sống vẫn tiếp diễn

Năm 2010 xôn xao câu chuyện kỳ lạ của cháu Nguyễn Phú Quyết Tiến ở Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình. Theo đó, cháu tên là Bình sinh ngày 6/10/2002 con của anh Hoan, chị Dự nhưng cháu cứ nằng nặc nhận mình là cháu Quyết Tiến (con chị Thuận anh Tân) – đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều “bằng chứng” chứng tỏ mình là cháu bé đã chết, cháu Bình đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng – UIA cho biết, trong 20 năm qua ông đã cùng nhiều giáo sư đầu ngành nghiên cứu và ghi nhận nhiều trường hợp tương tự như câu chuyện trên. Thậm chí, trên thế giới cũng có nhiều trường hợp trùng lặp đến kỳ lạ như vậy. Đơn cử một cặp trùng lặp rất thú vị giữa Napoléon và Hitle: Chẳng hạn, Napoléon sinh năm 1760, Hitle sinh năm 1889 chênh nhau 129 năm. Đặc biệt, rất nhiều sự kiện trùng và chênh nhau đúng 129 năm như: Napoléon nắm quyền năm 1804, Hitle năm 1933 chênh 129 năm. Napoléon chiếm Viên (Áo) năm 1809, Hitle năm 1938 chênh 129 năm. Napoléon chiếm Nga năm 1912, Hitle chiếm Nga 1941; Napoléon thua Nga 1816, Hitle thua Liên Xô 1945. Napoléon và Hitle đều nắm quyền binh năm 44 tuổi, đánh chiếm Viên năm 49 tuổi, đánh chiếm Nga năm 52 tuổi và đều vỡ mộng bá chủ ở tuổi 56…

TS Vũ Thế Khanh nhấn mạnh, theo thống kê, những cặp có sự tương đồng (về sự kiện trong cuộc đời, về tính cách, về tài năng…) nhiều không sao kể hết, và sự trùng lặp cũng rất đa dạng. Từ xa xưa, con người cũng đã biết và đã bàn luận nhiều về hiện tượng này. Người ta giải thích rằng, khi con người chết đi, Diêm Vương sẽ mở sổ ghi chép đánh giá công, tội để cho đi tái sinh vào các cõi khác nhau.

Quy trình tái sinh được mô tả như trong truyền thuyết về Cầu Nại Hà. Theo đó, nơi cõi Âm phủ có một cây cầu rất mỏng manh, khó đi, gọi là cầu Nại Hà, bắc ngang một con sông lớn gọi là sông truyền kiếp. Dưới sông lớn có đủ các thứ rắn độc, thủy quái hung dữ, đợi người nào lọt xuống thì chúng xúm lại xé thây ăn thịt. Các linh hồn muốn lên cầu qua sông, nhìn thấy cảnh tượng như thế thì nản lòng thối bước, không biết làm thế nào để đi qua cầu cho được an toàn.

Có tất cả là sáu loại cầu Nại Hà làm bằng 6 loại vật liệu khác nhau, tương ứng với Lục đạo luân hồi. Các linh hồn sau khi thẩm định phước phần, sẽ cho đi Đầu thai vào các nơi tương ứng theo nghiệp báo (nam hay nữ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, khôn hay ngu, thọ hay yểu…). Việc đi tái sinh không chỉ ở cõi người (thai sinh), mà còn có 5 loài: Noãn, thai, thấp, hóa, và bàng sinh. Hình dạng có: Loài không chân, hai chân, bốn chân hoặc nhiều chân. Có loài thì tự chết, có loài thì bị giết chết…

Để giải thích hiện tượng tái sinh, trên thế giới đã có hàng trăm ấn phẩm nói về lĩnh vực này như bí ẩn tiền kiếp hậu kiếp, luân hồi, nhân quả, sự sống sau khi chết, tử thư, chết đi về đâu, Tây Tạng huyền bí, Ai cập huyền bí, Xứ Phật huyền bí, nghiệp báo, Địa ngục du ký, Liêu Trai, Lạt Ma Tây Tạng, Cao Tăng dị truyện, Kinh Pháp Cú, Các hiện tượng tái sinh, soi kiếp của Kaysi…

Phật Giáo đã nói rõ về sự tương quan giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trên một trục thời gian vô tận (vô thủy vô chung) theo quy luật Nhân Quả – Luân hồi (luân là quay, hồi là trở lại). Hiện tượng tái sinh cũng chỉ là một trong các hiện tượng nằm trong quy luật của Luân hồi mà thôi.

Lý giải khoa học về sự đầu thai chuyển kiếp
Ảnh minh họa

Lộn kiếp truyền lại những tài năng bẩm sinh

GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, nguyên Viện trưởng Viện Vắc xin, tác giả cuốn sách “Loài người từ đâu về đâu” cho biết, từ xa xưa đã tồn tại học thuyết về sự luân hồi với nội dung là có người sống nhiều hơn 1 kiếp trên đời. Sau khi chết linh hồn người ấy đầu thai lại trên đời và sống kiếp khác. Có thể đầu thai vào người mẹ trước của mình, cũng có thể đầu thai vào một người đàn bà khác. Chẳng hạn, có một thiếu niên sinh ra ở Los Angeles (Mỹ) năm 1965. Tháng 8/1971, cha mẹ phát hiện ra cậu bé 6 tuổi có khả năng chơi đàn piano tuyệt vời, mặc dù cháu chưa bao giờ được học chơi piano. Các chuyên gia âm nhạc trong vùng xác định rằng những bản nhạc cậu chơi thường là các khúc nhạc Jazz độc đáo của nhà dương cầm nổi tiếng đã mất năm 1954.

Đầu thế kỷ XX, một cô gái Anh tên là Romary bỗng nhiên biết tiếng Ai Cập cổ đã bị thất truyền lâu rồi. Romary tự xưng là người Xyri vào năm 1400 trước công nguyên bị bắt đến Ai Cập làm nô lệ và làm vũ nữ trong cung điện thờ thần Ai Cập. Nhưng ít ai tin lời Romary. May nhờ một nhà bác học Ai Cập biết tiếng Ai Cập cổ xác nhận thì người ta mới tin câu chuyện của cô là có thật.

GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu nhấn mạnh, có nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về chuyển kiếp và luân hồi. TS Stephenson thuộc trường Đại học Louisana (Mỹ) khi nghiên cứu về vấn đề này cho rằng, khắp nơi trên thế giới có những trường hợp lộn kiếp thường xảy ra khi trẻ mới lên 3 – 5 tuổi. Chúng bắt đầu kể về cuộc sống kiếp trước của mình làm cha mẹ và người thân rất hoang mang, trừ ở Ấn Độ, nơi mà luật Luân hồi được nhiều người biết đến và người ta phản ứng rất bình tĩnh trong gia đình có một đứa bé lộn kiếp. Tuy nhiên, từ 7 – 8 tuổi trở lên đứa trẻ bắt đầu quên những ký ức về kiếp trước cho đến khi quên hẳn, nhưng cũng có trường hợp ký ức về kiếp trước còn tồn tại lâu dài. Chẳng hạn như trong cuốn tự tuyện “Tây Tạng – tổ quốc của tôi” Đạt – lai – lạt – ma đời thứ 14 đã kể tường tận sự đầu thai chuyển kiếp của mình.

GS.TS Ian Pretyman Stevenson là bác sĩ tâm thần học rất nổi tiếng, giảng dạy tại Đại học Virginia (Mỹ) đã đã cống hiến cả đời mình để nghiên cứu sự Luân hồi. Trong suốt hơn 40 năm, trung bình mỗi năm ông đã đi một đoạn đường 89.000 cây số vòng quanh Trái đất để khảo sát các trường hợp nghi vấn Luân hồi. Tổng cộng ông đã ghi nhận trên 3.000 trường hợp Luân hồi tái sinh từ khắp nơi trên thế giới, và trình bày các bằng chứng đó một cách hệ thống, khoa học và hết sức chi tiết. Trong mỗi trường hợp, ông ghi chép lại một cách hệ thống các lời nói và hành vi của đứa trẻ. Sau đó ông cố gắng xác định người đã chết theo những gì mà đứa trẻ nhớ được và kiểm tra các sự việc từng xảy ra đối với người quá cố, để xác minh xem chúng có phù hợp với trí nhớ của đứa trẻ hay không…

Theo GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, hiện tượng chuyển kiếp thuộc lĩnh vực tâm linh đã được thừa nhận bởi “Phật giáo” trong luật “Luân hồi” 500 năm TCN và các nhà khoa học tâm linh phương Tây đề ra cũng giống với phương pháp chọn Đạt – lai – lạt – ma ở Tây Tạng gồm 3 điều kiện: Có những ký ức về kiếp trước của người đã chết; người chuyển kiếp có những đặc trưng về khả năng kỹ thuật và các kỹ năng của người chết khi còn sống; và những đặc điểm trên thân thể của người chết khi còn sống.

“Việc tái sinh thể hiện rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Có những người sinh ra, hình dáng bề ngoài có những nét mang dấu tích của loài vật. Các nhà sinh vật học thì giải thích rằng “loài người có nguồn gốc từ loài vật tiến hóa, nên một số trường hợp vẫn còn mang theo di chứng của loài vật, giống như bị thoái hóa…”. Trong giáo lý của Đạo Phật, không chỉ “vật tiến hóa thành người” như các nhà sinh vật học giả thiết, mà sự chuyển hóa đa chiều hơn, rộng khắp trong Lục đạo. Sự tái sinh trong kiếp sau sẽ được xoay vòng trong 6 nẻo là: Trời, A Tu La, Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh, Con người. Tùy theo sự “gieo nhân tạo nghiệp” của kiếp trước mà quyết định điểm đến trong kiếp sau, sẽ là một trong 6 nẻo kể trên”.

TS Vũ Thế Khanh

 

Theo Kienthuc