Nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ đã đưa ra lời giải cho thói quen ngoáy mũi có phần mất vệ sinh này.
Giải thích hiện tượng con người thích ngoáy mũi
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, ngoáy mũi nơi công cộng là một thói quen “không đẹp mắt“. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao việc ngoáy mũi lại làm bạn thích thú đến vậy? Liệu thói quen ngoáy mũi sẽ giảm tần suất chỉ vì bạn biết đó là một hành động không đẹp? Bài viết sau đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn liên quan đến thói quen kỳ lạ này.
Những nghiên cứu sâu về thói quen ngoáy mũi – có tên thuật ngữ y học là “rhinotillexomania” được thực hiện lần đầu bởi hai nhà khoa học người Mỹ – Thompson và Jefferson vào năm 1995. Họ đã gửi những câu hỏi điều tra cho hơn 1.000 người ở độ tuổi trưởng thành trong khu vực thành phố Dane County, Wisconsin qua đường bưu điện.
Trong số 254 câu trả lời mà họ nhận lại được, có tới 91% người thú nhận về thói quen ngoáy mũi của mình. Đặc biệt, đã có 2 người cho biết việc ngoáy mũi đã trực tiếp ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của họ.
Mặc dù đây chưa phải là một cuộc điều tra hoàn hảo khi các nhà khoa học mới chỉ nhận lại phản hồi từ ¼ số người được hỏi nhưng kết quả của cuộc điều tra cho thấy, việc ngoáy mũi là phổ biến mặc dù có nhiều đánh giá không tốt về hành động này.
Năm năm sau đó, tiến sĩ Chittaranjan Andrade và bác sĩ Srihari của Viện Sức khỏe Tâm thần và Khoa học thần kinh tại Bangalore (Ấn Độ) đã quyết định nghiên cứu kỹ hơn về sở thích ngoáy mũi này với 200 học sinh của một trường trung học.
Hầu như tất cả đều thừa nhận mình có thói quen ngoáy mũi với tần suất trung bình 4 lần/ngày. Cụ thể, 7,6% số học sinh được phỏng vấn nói rằng, mình ngoáy mũi hơn 20 lần/ngày và có tới 20% đang gặp vấn đề nghiêm trọng với việc ngoáy mũi. Ngoài ra, 24 đối tượng cho biết nguồn gốc của việc ngoáy mũi là do… cảm thấy dễ chịu và có tới 9 người thú nhận thường xuyên ăn “sản phẩm”.
Con trai thường hay làm như vậy hơn, trong khi con gái thường nghĩ đó là thói xấu. Con trai, theo thống kê, còn thường có thêm những thói xấu như là cắn móng tay (tên khoa học là onychophagia) hoặc nhổ lông mũi (trichotillomania).
Thủ phạm của những di chứng tổn thương mặt
Nhiều người tin, việc ngoáy mũi sẽ giúp khoang mũi sạch nhưng sự thật thói quen này sẽ khiến bạn dễ bị viêm mũi và sở hữu một lượng lớn khuẩn Staphylococcus aureus (khuẩn tụ cầu vàng) hơn bình thường. Vi khuẩn này có dạng như chùm nho và có khả năng gây rất nhiều loại bệnh như tạo bọng nước trên da, ngộ độc thực phẩm… Đây là kết quả được đưa ra bởi nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan vào năm 2006.
Trong những trường hợp thái quá, ngoáy mũi có thể gây ra (hoặc liên quan đến) những rắc rối hệ trọng hơn, như hai nhà nghiên cứu Mỹ tên là Trevor Thompson và James Jefferson đã phát hiện ra khi họ xem xét các thống kê y tế. Đã từng xuất hiện một trường hợp, các bác sĩ phẫu thuật không thể nào vá nổi vách mũi bị thủng do bệnh nhân không ngừng ngoáy mũi làm cho chỗ phẫu thuật được vá không thể lành được. Và lại còn có trường hợp của một phụ nữ 53 tuổi mà việc ngoáy mũi kinh niên của bà không những làm thủng vách mũi, thực tế bà còn đục một lỗ vào xoang mũi.
Ngoài ra, một thanh niên 29 tuổi vốn có đồng thời hai triệu chứng chưa được đưa vào hồ sơ bệnh án là trichotillomania (nhổ lông mũi) và rhinotillexomania (ngoáy mũi). Việc này buộc các bác sỹ phải đặt ra một thuật ngữ với từ ghép mới: rhinotrichotillomania (Ngoáy mũi nhổ lông). Hành vi của anh này là cứ tự bắt mình phải nhổ lông mũi, khi việc nhổ lông đến mức thái quá thì mũi anh bị viêm tấy lên.
Để chữa viêm tấy, anh đã dùng một chất thuốc mà chất này có một tác dụng phụ làm mũi anh có mầu tím. Anh không ngờ là mầu tím này lại che dấu được lông mũi luôn lộ ra, và điều này đã làm anh cảm thấy rất thoải mái. Anh thực sự thấy hài lòng khi ra khỏi nhà với một cái mũi mầu tím còn hơn là với lông mũi thòi ra. Các bác sỹ (nay đã chữa thành công cho anh bằng thuốc uống) cho rằng sự thôi thúc phải làm như vậy của anh là một biểu hiện của rối loạn về dị dạng của cơ thể, điều này đôi khi được cho là một triệu chứng rối loạn hành vi mang tính ép buộc hoặc ám ảnh.
Nguy hiểm đến mức độ nào?
Phần lớn chúng ta có thể an tâm khi biết rằng việc đôi lúc ngoáy mũi một cách kín đáo chắc hẳn không phải là trạng thái bệnh lý. Điều đáng lưu ý là mặc dù việc cắn móng tay và nhổ lông mũi bị coi là biểu hiện của triệu chứng rối loạn hành vi mang tính ép buộc hoặc ám ảnh nhưng rhinotillexomania (ngoáy mũi) thường thì không bị coi là như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngoáy mũi hoàn toàn an toàn, trong một nghiên cứu năm 2006, một nhóm nhà nghiên cứu Hà Lan phát hiện là ngoáy mũi dễ gây nhiễm trùng.
Họ thấy rằng những người hay ngoáy mũi ở một trạm y tế chữa tai mũi họng dễ mang khuẩn tụ cầu trong mũi hơn là những người không làm như vậy. Trong những người tự nguyện khỏe mạnh họ cũng tìm thấy một điều gì đó tương tự: một tương quan rõ ràng giữa tần xuất ngoáy mũi với tần suất mà nơi nuôi khuẩn ở mũi chứa chấp các vi khuẩn xấu xa này, và với tần suất về lượng vi khuẩn tụ cầu xuất hiện ở nơi nuôi khuẩn này.
Nguyên nhân
Mặc dù ẩn chứa nhiều mối nguy hại cho cơ thể nhưng vì sao ngoáy mũi vẫn được nhiều người trên thế giới ưa chuộng? Câu trả lời nằm ở tâm lý của con người.
Bên trong lỗ mũi con người chứa rất nhiều dây thần kinh nhạy cảm, vì thế khi trong mũi có chút “vật thể lạ”, cơ thể cũng sẽ cảm thấy có phần bứt rứt và khó chịu. Việc dọn dẹp cho lỗ mũi sẽ đem lại một cảm giác dễ chịu, không chỉ cho lỗ mũi mà còn giúp cho cơ thể cảm thấy tốt hơn.
Bên cạnh lý do đó, ngoáy mũi còn được xem như là một hành động thể hiện sự lười biếng. Thay vì cố gắng xì những “vật thể lạ” ra khỏi mũi và lau bằng giấy ăn, con người lại thích “tiện” đưa ngón tay vào trong lỗ mũi và ngoáy ngoáy. Điều này được thể hiện rõ hơn khi bạn ở nơi công cộng. Nói cho cùng, ngón tay không bao giờ là thiếu khi bạn cảm thấy muốn làm thông thoáng mũi mình. Nó nhiều hơn là hộp khăn giấy. Thật là phấn khởi biết rằng một số nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu lý do mà chúng ta ngoáy mũi và hệ quả của nó.
Những nghiên cứu về thói quen ngoáy mũi đã giúp hai nhà khoa học Chittaranjan Andrade và BS Srihari nhận được giải Nobel về lĩnh vực Y tế Cộng đồng vào năm 2001.