Một trong những loài thực vật cổ nhất trái đất – cây mè – sử dụng một thứ mùi nồng nặc, hơi nóng và một chút lừa đảo để quyến rũ các con côn trùng thụ phấn cho chúng.
“Đó là một loài thực vật kỳ dị”, giáo sư sinh học Irene Terry tại Đại học Utah, Mỹ, nói.
Terry và cộng sự tại Đại học Queensland đã nghiên cứu cây mè Macrozamia của Australia, một loài cây nhiệt đới cổ đại có quả hình nón rất lớn, thường bị nhầm với cây cọ. Những cây này có từ gần 300 triệu năm trước. “Chúng đạt đỉnh cao vào thời khủng long, nhưng còn già hơn khủng long”, Terry nói.
(Ảnh: jupiterimages) |
Trong giai đoạn thụ phấn, xảy ra hằng năm hoặc 1 lần trong vài năm, cây đực sẽ tỏa ra một thứ mùi nhè nhẹ để thu hút các con côn trùng, tên là thrip, tới thụ phấn. Khi các con côn trùng đã quanh quẩn được một lúc – ăn no nê và phủ phấn đầy cơ thể – thì các cây mè đực sẽ tỏa ra hơi nóng và mùi thối.
Cây mè đực có thể làm nóng quả hình nón của nó lên tới mức cao hơn nhiệt độ xung quanh 25 độ C. Chúng cũng tỏa ra một mùi cực kỳ kinh dị. Toàn bộ quá trình đó nhằm đuổi những con côn trùng mình phủ đẩy phấn đi. Cùng lúc đó, cây mè cái, với thứ mùi hương dễ chịu hơn lại tạo ra một môi trường thân thiện hấp dẫn để mời chào các con côn trùng. Chúng bổ nhào vào, chẳng tìm thấy thức ăn, và bỏ lại phấn ở đó.
Từ lâu các nhà khoa học vẫn tin rằng cây mè được thụ phấn bởi gió. Nhưng những cây mè ở Australia có khoảng cách quá gần nên đó không phải là lý do. Hiểu được cơ chế thụ phấn này sẽ giúp các nhà khoa học bảo tồn các khu rừng tự nhiên.
M.T.
Theo Reuters, Vnexpress