Ghẹ 700 nghìn/con, dừa 500 nghìn/trái
Vấn nạn ‘chặt chém’ khách du lịch là một vấn đề nan giải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Việt Nam. Việc chặt chém không chỉ xảy ra với du khách quốc tế mà ngay cả với các du khách nội địa cũng phải ‘hứng’ giá trên trời. Nhiều người dân đành ‘ngậm đắng nuốt cay’ móc tiền ra trả sau khi sử dụng dịch vụ cho những khoản tiền vô lý, mặc dù trong lòng đầy bức xúc.
Theo Người Lao Động, sau 2 ngày chơi ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nhân dịp Tết 2016, anh Phạm Văn Long (ngụ quận 7, TP HCM) và một người bạn chạy xe máy từ Sài Gòn xuống Vùng Tàu vào sáng 1/1 để tìm phòng. Đến khách sạn thứ 6, nhóm của anh Long có được căn phòng với giường đôi. Tuy nhiên, giá thuê lên đến 850.000 đồng, cao hơn ngày thường 400.000 đồng.
Anh Long cho biết trong lúc ngồi ngắm biển, một người gánh hàng rong đến mời mua ghẹ, tôm tít, ốc luộc… Tự tin không có chuyện ‘chặt chém’, nhóm anh Long vô tư lựa món ăn mà không hỏi giá, khi tính tiền hóa đơn lên đến 2,1 triệu đồng.
Cụ thể, 2 con ghẹ có kích thước bằng bàn tay giá đến 1,4 triệu đồng, ốc bưu 120.000 đồng/đĩa, tôm tít trộn với tôm sú luộc 300.000 đồng/2 đĩa, các món bánh chiên 300.000 đồng.
Thấy giá quá cao, anh Long vội phản ứng, người bán cãi rằng giá giờ như vậy, bớt cho 20.000 đồng và còn hăm dọa: “Ăn ngập mặt có 2,1 triệu mà không trả, hay muốn ăn đòn?”
Tuổi Trẻ thông tin, chị Lê Thị Lan Hương (Q. Bình Thạnh) ăn đêm tại một quán ở chợ Đà Lạt bị tính giá 1 triệu đồng cho ba tô cháo và một đĩa lòng gà. Chị dọa kêu cơ quan chức năng can thiệp thì chủ quán mới nói đúng giá là… 200.000 đồng!
Đà Lạt cũng bị một du khách khác than phiền: Thông thường giá phòng ở đây chỉ tầm 300.000 đồng, nhưng cái giá để “thưởng hoa đúng dịp” lại bị “hét” đến 1,5 triệu đồng/phòng.
Chị Đào Tường Vy (Q. Bình Thạnh) thì “dính đòn” khi đi du lịch cuối năm ở Phú Quốc. “Trước đó, tôi đã đặt phòng trực tuyến nhưng đến nơi thì hết phòng do khách quá đông. Lúc đó chỉ còn một phòng không quạt, không máy nước nóng mà giá thì đắt gấp đôi so với phòng đã đặt từ trước”.
Cũng theo Người Lao Động, ngày 31/12, tại một số khách sạn ở trung tâm TP Nha Trang (Khánh Hòa); phần lớn đều trả lời kín phòng, với giá tăng gấp 2 lần so với thường ngày. Tại khách sạn V.H (đường Trần Phú), chủ khách sạn cho biết đã kín chỗ từ ngày 30/12 với giá 600.000 đồng/phòng.
Khách sạn S.L (đường Tôn Đản) xác nhận đã hết phòng đơn, chỉ còn 1 phòng đôi giá 800.000 đồng, cao gấp đôi ngày thường. Hầu hết các khách sạn 3 sao trở lên ở TP Nha Trang cũng đã kín các phòng thường, chỉ còn các phòng cao cấp với giá từ 3-5 triệu đồng/phòng.
Lý giải về việc “cháy phòng”, một lễ tân của khách sạn H.P.Đ cho hay, nguyên nhân một phần do có hiện tượng một số cá nhân, tổ chức môi giới du lịch đặt hàng qua mạng để gom phòng, sau đó bán lại với giá cao cho người có nhu cầu.
Tại một số địa bàn du lịch nổi tiếng của Bình Thuận như Hàm Tiến, Mũi Né… thường xuất hiện một số người bán hàng rong, mát-xa dạo có hiện tượng bắt chẹt du khách.
“Một số người nhắm đến khách ngoại quốc để mời chào, bán hàng với giá cắt cổ” – anh T.V.Q, chủ một cửa hàng ăn uống ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, phản ánh.
Còn theo đại diện khách sạn H.A (phường Hàm Tiến), cách đây một tuần, một du khách Nga đang lưu trú tại khách sạn này đã rất giận dữ vì bị một người bán hàng rong bán một trái dừa với giá 500.000 đồng.
“Đi du lịch mùa lễ hội, ai cũng xác định phải bỏ thêm khoản không nhỏ để trả cho phần bị đội giá. Nhưng khi đã bị “chặt chém”, tôi không bao giờ quay lại nơi đó nữa” – anh Phùng Quang Hảo (Q.1, TP.HCM), một nạn nhân bị “chặt chém” mùa du lịch, nói.
Cuộc khảo sát với 70 người dân và du khách ở TP.HCM đã từng bị “chặt chém” khi đi du lịch vào mùa lễ hội do Tuổi Trẻ thực hiện đã cho thấy, hơn 90% nói rằng họ đành “ngậm đắng nuốt cay” móc tiền ra trả cho những khoản tiền quá vô lý dù lòng đầy bức xúc.
Du lịch đứng ở top đầu nhưng lượng khách giảm
Còn có một thực tế khác, thời gian vừa qua, Việt Nam liên tiếp giành vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng như trang web du lịch TripAdvisor, Tạp chí Du lịch – Rough Guides, trang web tư vấn du lịch TripIndex Cities,… dựa theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên và mức phí dành cho du lịch. Ví dụ như top 20 điểm đến du lịch có mức giá tốt nhất thế giới, top 20 kỳ quan địa chất đẹp nhất thế giới, top 30 điểm đến đẹp nhất trên Trái đất, 16 điểm đến ven biển đẹp nhất thế giới…
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 26/12 cho biết, sau 6 năm liên tục tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã chững lại và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2015 ước tính đạt 7,943 triệu lượt người, giảm 0,2% so với năm 2014 và là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không trong năm tăng 0,8% so với năm trước, đường bộ giảm 6,5%, đường biển tăng mạnh 27,5%.
Báo Đất Việt thông tin, trước sự đối lập này, theo quan điểm của TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du Lịch, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHHTT&DL), những bảng xếp hạng đánh giá của quốc tế dành cho Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ là đánh giá về điểm tài nguyên.
Đó chỉ là một trong những tiêu chí khác để đánh giá năng lực cạnh tranh của các điểm đến, vì còn nhiều tiêu chí khác như vấn đề môi trường, hạ tầng, sản phẩm dịch vụ, giá cả… Và tất cả các tiêu chí ấy, chúng ta đều làm chưa tốt, ông Lương khẳng định.
“Rồi cả câu chuyện du khách đến không muốn quay trở lại, cứ 10 người đi là cả 10 người ngoảnh mặt chỉ dám đến 1 lần thì chúng ta tự hào về điều gì?”, TS. Phạm Trung Lương đặt câu hỏi.
Nhận định về vấn đề này tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2015, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), ngày 10/9 chỉ rõ: “Chặt chém là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng trở nên không đẹp trong mắt khách du lịch quốc tế. Và dĩ nhiên có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại Việt Nam của họ”.
Nguồn: Theo Phụ Nữ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.