Khốn khổ mỗi lần “yêu”
Đời sống tình dục của vợ chồng chị Thanh H. (42 tuổi, Thanh Xuân, HN) trước đây rất hòa hợp và viên mãn. Nhưng từ sau khi mãn kinh, “chuyện ấy” bỗng trở thành “cực hình” với chị. Chị H. thường cảm thấy âm đạo khô, nóng, khi “yêu” bị đau rát, thậm chí đi tiểu cũng có cảm giác đau.
“Ban đầu tôi cũngcố chiều chồng nhưng về sau thì đành viện cớ thoái thác vì không thấy hứng thú gì với chuyện đó cả”, chị kể.
Lo lắng rằng tình trạng này để lâu sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, chị tìm đến “bác sỹ Google” thì thấy rằng, các triệu chứng ấy có thể là biểu hiện của chứng teo âm đạo.
Cũng khốn khổ vì “chuyện ấy” là trường hợp của chị Bích N. (Cầu Giấy, HN). “Không hiểu tại sao gần đây “chuyện chăn gối” của vợ chồng tôi rất khó khăn. Mỗi khi nhập cuộc tôi thường cảm thấy đau, có lần còn bị chảy máu nhẹ”, chị thở dài.
Lúc đầu, chị N. nghĩ cuối năm, công việc bận rộn nên áp lực, stress, dẫn đến không hào hứng với “chuyện ấy”. Chính vì tâm lý không thoải mái nên mới bị khó chịu khi “yêu”. Thế nhưng một tuần gần đây, công việc đã giải quyết xong, tinh thần chị đã thoải mái song “chuyện ấy” vẫn không thể cải thiện như trước.
“Tôi đi khám phụ khoa, sau khi làm các xét nghiệm thì bác sỹ thông báo tôi đã bị teo âm đạo. Tôi vô cùng bất ngờ vì tôi luôn nghĩ rằng chỉ những phụ nữ mãn kinh mới bị mắc bệnh này, còn tôi thì mới 35 tuổi, chưa đến thời kỳ mãn kinh”, chị kể.
Quan hệ tình dục thường xuyên giúp ngăn ngừa teo âm đạo
Bác sỹ phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho biết, teo âm đạo là tình trạng thành âm đạo bị mỏng đi và dễ viêm. Các triệu chứng thường gặp là: âm đạo khô, nóng, khó chịu, chảy máu khi giao hợp, tiểu không kiểm soát, đau hoặc thấy nóng khi đi tiểu…
Có nhiều nguyên nhân gây ra teo âm đạo trong đó nguyên nhân chính là do suy giảm estrogen (nội tiết tố nữ). Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc, chức năng của thành âm đạo. Nó cũng giúp duy trì tính đàn hồi của các mô xung quanh âm đạo và giúp sản xuất các dịch tiết từ âm đạo. Estrogen thấp sẽ làm giảm khả năng bôi trơn, khả năng mở rộng và phát triển thêm những tế bào mới ở âm đạo. Theo thời gian, lưu lượng máu lưu thông ở khu vực này ít dần, khiến các mô âm đạo mỏng, khô, kém đàn hồi và teo dần.
Teo âm đạo thường gặp ở phụ nữ đã mãn kinh. Bởi phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh thì hoạt động buồng trứng suy giảm dẫn tới giảm tiết hoocmon estrogen. Theo một thống kê, có khoảng 25 – 45 % phụ nữ sau khi mãn kinh phải chịu những cơn đau đớn khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ cho con bú hoặc những người bị suy giảm estrogen do cơ thể không sản xuất đủ cũng có thể bị teo âm đạo.
Một số loại thuốc, phương pháp điều trị như hóa trị, bức xạ, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, rối loạn miễn dịch cũng có thể gây ra sự suy giảm estrogen, gây teo âm đạo.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác là hút thuốc lá, không sinh con qua âm đạo (sinh thường). Cụ thể, hút thuốc lá làm suy yếu lưu thông máu, mất oxy âm đạo và các mô khác, làm giảm tác động của estrogen tự nhiên trong cơ thể… dẫn tới giảm lưu lượng máu tới âm đạo, gây teo âm đạo. Theo một số nghiên cứu thì những phụ nữ chưa bao giờ sinh qua âm đạo sẽ dễ bị teo âm đạo hơn là phụ nữ đã từng sinh qua âm đạo.
Đặc biệt, tần suất quan hệ tình dục càng cao thì tỉ lệ teo âm đạo càng thấp vì “chuyện ấy” sẽ làm tăng lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục và giúp chúng luôn khỏe mạnh.
Theo bác sỹ Lê Thị Kim Dung, những người bị teo âm đạo thì nguy cơ viêm âm đạo tăng lên. Bởi tình trạng teo khiến môi trường axit của âm đạo bị thay đổi, dẫn đến âm đạo dễ bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm. Do vậy, khi phát hiện bất thường, chị em nên đi thăm khám ngay.
Để điều trị teo âm đạo thì việc quan trọng nhất là cân bằng lại lượng estrogen. Hai hình thức cân bằng estrogen phổ biến là sử dụng thuốc và kem thoa. Trong đó, phương án dùng kem thoa thường được áp dụng hơn vì nó điều trị tập trung tại vùng chuyên biệt.
Minh Minh
Xem thêm clip:Lấy lại vòng eo con kiến với bài tập 5 phút mỗi ngày