Các phi hành gia trên ISS nhìn về Trái Đất để quan sát nhật thực trong lúc hàng triệu người tại Mỹ ngước lên bầu trời từ mặt đất.
Trong lúc hàng triệu người tập trung ở nhiều địa điểm tại Mỹ để quan sát nhật thực ngày 21/8, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có ba lần chứng kiến hiện tượng này khi bay quanh Trái Đất, Verge ngày 21/8 đưa tin.
Hiện tượng nhật thực toàn phần quét qua nước Mỹ nhìn từ vũ trụ. (Video: NOAA).
Do ISS hoàn thành một vòng quanh Trái Đất 90 phút một lần, các thành viên của đội thám hiểm thứ 52 trên ISS có ba thời điểm để ghi lại khoảnh khắc Mặt Trăng che khuất Mặt Trời. Tuy nhiên, họ không thể chứng kiến nhật thực toàn phần do ISS không đi qua phần bóng tối Mặt Trăng phủ lên Trái Đất, theo NASA.
Quan sát nhật thực từ Trái Đất, Joel Kowsky, biên tập viên hình ảnh của NASA tại Banner, Wyoming ghi lại thời khắc ISS đi qua trước Mặt Trời như một chữ H li ti màu đen.
Hình ảnh ISS đi qua trước Mặt Trời lúc nhật thực diễn ra. (Ảnh: NASA).
Nhật thực diễn ra nhờ kích thước và khoảng cách của các thiên thể trong vũ trụ. Mặt Trăng nhỏ hơn Mặt Trời khoảng 400 lần. Khoảng cách Trái Đất – Mặt Trăng kém khoảng cách Trái Đất – Mặt Trời khoảng 400 lần. Tỷ lệ này khiến Mặt Trăng và Mặt Trời như có cùng kích thước khi quan sát từ Trái Đất, cho phép Mặt Trăng che phủ hoàn toàn Mặt Trời.
Lần xuất hiện trước của nhật thực toàn phần tại Mỹ là năm 1979. Mặt Trăng sẽ tiếp tục che khuất hoàn toàn Mặt Trời vào ngày 8/4/2024. Hiện tượng này có thể quan sát được từ Texas đến Maine ở Mỹ hoặc một phần lãnh thổ của Mexico và đông Canada.
Theo VnExpress