Mặt trời vàng làm bằng công nghệ sản xuất chip

Tác phẩm nghệ thuật thuộc loại bé nhất thế giới này chưa bằng một phần mười đầu mũi kim, bao gồm 20.000 phân tử vàng kết hợp với nhau nhờ công nghệ in nano kiểu mới.

Phương pháp được IBM và viện công nghệ ETH tại Zurich (Thụy Sĩ) thực hiện, hứa hẹn trở thành kỹ thuật in vi xử lý nhỏ với giá thành thấp. “Nó sẽ mở ra những hướng mới để đặt các loại phân tử nano khác nhau trên nhiều kiểu bề mặt một cách chính xác“, chuyên gia Heiko Wolf tại IBM nói.

Các kỹ sư IBM từ lâu đã có cảm hứng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật bằng công nghệ tưởng như khô khan. Năm 1990, họ dùng kính hiển vi và trình diễn phương pháp di chuyển từng hạt nhân đến các điểm xác định để tạo thành một bức tranh. Tuy nhiên, cách làm kiểu này tỏ ra quá đắt đỏ, tốn thời gian nên không thể thực hiện hàng loạt.

Còn với kỹ thuật mới, để in một hình ảnh, “giọt mực” làm từ phân tử nano treo trong dung dịch lỏng được “bôi” khắp bề mặt miếng silicon mềm. Chất nền là lớp kính hoặc silicon khác sau đó được phủ lên trên. Hình ảnh hiển thị rõ ràng nhờ mực gắn kết rất tốt với chất nền. Theo các chuyên gia, quy trình mới này có hiệu suất cao hơn vì kết hợp được nhiều vật liệu khác nhau như kim loại, nhựa polymer, chất bán dẫn, ô xít…


Mặt trời có bề rộng 80 micron, hình thành từ 20.000 phân tử vàng. 
(Ảnh: BBC)


Tác phẩm nghệ thuật bằng phân tử của IBM năm 1990.
(Ảnh: BBC)

T.H.

 

Theo BBC, Vnexpress