Mắt xanh khổng lồ trong vũ trụ

Kính viễn vọng không gian Hubble chụp được bức ảnh tuyệt đẹp về một tinh vân có hình dạng giống con mắt vào ngày 4/5 vừa qua. 

Tinh vân hình con mắt trong vũ trụ. Những tinh vân có cấu trúc nhiều tầng như thế này rất hiếm trong vũ trụ. Ảnh: NASA.

Tinh vân nói trên là một đám mây bụi khí nhiều màu sắc có tên Kohoutek 4-55, có một “mắt” hướng về phía kính viễn vọng không gian Hubble. Bức ảnh được chụp bằng camera góc rộng số 2 trên kính Hubble. Đây là một trong những bức ảnh cuối cùng của camera này, bởi nó sắp được thay thế bằng camera góc rộng số 3 trong vài ngày tới. Tàu con thoi Atlantis của NASA rời khỏi bệ phóng hôm qua để thực hiện một trong những sứ mệnh nguy hiểm nhất trên quỹ đạo: sửa chữa và bảo dưỡng kính thiên văn Hubble.

Tinh vân là hỗn hợp của bụi, khí hydro, khí helium và plasma. Chúng thường tập trung thành những dải hẹp, dày từ vài chục đến vài trăm năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = 9.460 tỷ km). Tinh vân không có mối quan hệ nào với hành tinh. Chúng được gọi là “tinh vân” vì khi quan sát bằng những kính thiên văn thuộc thế hệ đầu tiên, trông chúng giống như các hành tinh trong hệ mặt trời. Dải ngân hà có rất nhiều tinh vân. “Con mắt” trong bức ảnh gồm nhiều lớp vật chất của một ngôi sao khổng lồ đỏ. Ngôi sao thổi những lớp vật chất vào không gian trước khi chết.

Bức xạ cực tím từ phần lõi nóng còn lại của ngôi sao xuyên qua những tầng khí bên ngoài khiến chúng phát sáng. Tầng bụi khí sáng rực trong cùng được bao quanh bởi một quầng sáng nhạt màu đỏ. Mỗi màu sắc được tạo nên bởi sự bức xạ của một loại khí, như nitơ (đỏ), hydro (xanh lục), oxy (xanh dương). Các nhà thiên văn khẳng định những tinh vân có cấu trúc nhiều tầng như thế tương đối hiếm trong vũ trụ.

 

Theo VnExpress (Space)