Mất xương, vấn đề nghiêm trọng đe dọa các nhà du hành vũ trụ

Ngoài các bức xạ vũ trụ, bão mặt trời hoặc rác thải di chuyển với tốc độ cực nhanh trong không gian, một mối nguy hiểm âm ỉ khác cũng đe dọa sức khỏe của các nhà du hành: đó là sự suy yếu của xương.

Xương hông chụp qua tia X là một trong các phần của bộ xương chịu tác động nặng nhất của tình trạng không trọng lực (Ảnh: Nasa)

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi cơ quan NASA trong suốt 4 năm, các nhà du hành thường trú trên Trạm không gian quốc tế (ISS) trung bình trong một tháng mất tỉ trọng xương tương đương với một phụ nữ mắc bệnh loãng xương trong một năm.

Các nhà khoa học NASA đã nghiên cứu tỉ trọng xương của 16 nhà du hành thường trú trên Trạm ISS từ năm 2001 đến năm 2004. Trung bình trong sứ mệnh kéo dài 6 tháng, các nhà du hành mất 11% khối lượng xương hông. Một năm sau khi trở về Trái Đất, đa số được bù đắp bởi sự tăng khối lượng xương trở lại. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Thomas Lang thuộc Đại học California dẫn đầu nghiên cứu này, sự bù đắp này không đảm bảo việc hồi phục hồi xương hoàn toàn.

Mất xương là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người thường trú lâu dài trong không gian. Nếu một ngày nào đó, khi bay lên sao Hỏa, con người sẽ có nguy cơ cao bị gãy xương vào lúc thực hiện một sứ mệnh khó khăn để thám hiểm hành tinh đỏ.

Khi nghiên cứu hiện tượng mất xương ở các nhà du hành, các nhà khoa học cố gắng tìm ra những phương thuốc hiệu quả có thể giúp hàng triệu người mắc bệnh loãng xương trên thế giới.

 

Theo Sciences & Avenir, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh