Máy bay siêu tốc bay khắp thế giới trong 4 giờ

Máy bay siêu tốc bay khắp thế giới trong 4 giờ

Hãng hàng công nghệ hàng không Anh Reaction Engines cho biết đang sản xuất một chiếc máy bay có thể đưa hành khách tới bất cứ đâu trên thế giới chỉ trong bốn giờ.

Theo trang Business Insider ngày 16/7, Reaction Engines khẳng định công nghệ mới là “bước đột phá lớn nhất về phản lực kể từ khi động cơ phản lực ra đời”. Công nghệ của Reaction Engines có thể làm lạnh không khí trong động cơ máy bay từ 1.000 độ C xuống còn -150 độ C chỉ trong 0,01 giây.

Điều đó có nghĩa động cơ máy bay có thể vận hành với sức mạnh lớn hơn nhiều so với thông thường mà không trở nên quá nóng. Như vậy, máy bay sử dụng động cơ này có thể đạt tốc độ cao hơn hẳn máy bay thông thường. Kỹ sư Alan Bond của Reaction Engines khẳng định máy bay của hãng có thể bay nhanh tới 6737km/h (gấp 5,5 lần tốc độ âm thanh).

Máy bay siêu tốc bay khắp thế giới trong 4 giờ
Phác họa thiết kế máy bay siêu tốc Skylon – (Ảnh: Reactionengines.co.uk)

Reaction Engines lên kế hoạch sản xuất một chiếc máy bay siêu tốc có thể chở 300 hành khách. “Máy bay này sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành hàng không tốc độ cao. Sẽ không ai có thể cạnh tranh được với chúng tôi bởi chúng tôi là độc nhất vô nhị” – kỹ sư Bond tự tin.

Theo thiết kế ban đầu, chiếc máy bay mang tên Skylon sẽ dài khoảng 84m, cất cánh và hạ cánh theo kiểu máy bay thông thường. Tuy nhiên máy bay sẽ không có cửa sổ, một thiệt thòi đối với các hành khách thích ngắm phong cảnh từ trên cao.

Giá mỗi chiếc máy bay Skylon vào khoảng 286 triệu USD. Ước tính tổng chi phí chương trình Skylon của Reaction Engines lên tới 12 tỉ USD. Theo trang Space.com, máy bay Skylon cũng có thể được sử dụng để bay lên quỹ đạo Trái đất. Mục tiêu ban đầu là đưa hàng hóa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), sau đó là phục vụ du lịch không gian.

Hiện Reaction Engines đang thử nghiệm hệ thống làm lạnh của động cơ máy bay. Dự kiến các chuyến bay thử đầu tiên của máy bay Skylon sẽ diễn ra vào năm 2019.

 

Theo Tuổi Trẻ