Máy bay theo dõi thiên tai

Máy bay theo dõi thiên tai

Các nhà khoa học Mỹ đang đưa vào sử dụng loại máy bay không người lái chuyên thực hiện các chuyến bay nghiên cứu để giám sát thiên tai.

Trong một thời gian dài, loại máy bay robot này được sử dụng trong lĩnh vực quân sự ở một số nước. Hiện nay, chúng bắt đầu được đưa vào nghiên cứu khoa học. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), chúng có thể dẫn đến cuộc cách mạng trong quản lý hệ thống của trái đất.

Máy bay robot có thể đi vào những nơi khó khăn, nguy hiểm và độc hại với con người với 3 mục đích chính: tiên đoán cường độ của các cơn bão, theo dõi hiện tượng tan băng vùng Bắc Cực vào mùa hè, giám sát các cơn bão ở vùng Thái Bình Dương và đi vào vùng biển phía tây nước Mỹ.

Máy bay theo dõi thiên tai

Máy bay không người lái có thể bay vào vùng nguy hiểm của cơn bão để thu thập dữ liệu (Ảnh: TTO)

Một ưu điểm khác của máy bay này là có thể lấy mẫu liên tục với thiết bị thu nhận dữ liệu như độ ẩm, nhiệt độ và tốc độ gió.

Tháng 11-2007, NOAA đã sử dụng máy bay không người lái đầu tiên gọi là Aerosonde để theo dõi những cơn cuồng phong. Họ giám sát cơn bão Noel bằng cách sử dụng “khái niệm quan sát tích hợp” kết hợp việc thu nhận dữ liệu từ Aerosonde và vệ tinh.

Aerosonde có khả năng hoạt động trong thời gian dài tầm bay thấp. Nó có thể bay liên tục trong 1 ngày ở tốc độ 129 km/giờ với khối lượng chuyên chở khoảng vài kg. Ngoài ra còn có một loại máy bay không người lái khác của NASA là Global Hawk, có thể bay liên tục trong 30 giờ với tốc độ đạt đến 556 km/giờ và có thể mang khối lượng 907 kg.

Các nhà khoa học cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình khác của máy bay không người lái để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong tương lai, họ sẽ tiến hành nhiều chuyến bay không người lái để giám sát việc thay đổi khí hậu tác động đến hải cẩu cũng như giám sát việc đánh bắt cá, bảo tồn các khu vực dự trữ sinh quyển của trái đất và kiểm tra các vùng núi lửa…

MINH ANH

 

Theo BBC, Tuổi trẻ