Các nhà nghiên cứu Anh phát hiện một hành tinh khí ngoài hệ Mặt Trời bao quanh bởi những đám mây giàu khoáng chất tạo đá ruby và sapphire.
HAT-P-7b, hành tinh khí ở cách Trái Đất 1.048 năm ánh sáng, có những đám mây chứa đầy nguyên liệu thô để hình thành đá ruby và sapphire, Mirror dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học công bố hôm 12/12 trên tạp chí Nature Astronomy.
Những đám mây rực rỡ trên HAT-P-7b được cho là cấu tạo từ corundum, khoáng chất cứng thứ hai chỉ sau kim cương. Corundum bền đến mức không bị ảnh hưởng bởi axit và phần lớn các loại môi trường. Đá ruby và sapphire chính là do khoáng chất corundum màu đỏ và xanh tạo thành.
Hành tinh HAT-P-7b ở cách Trái Đất 1.048 năm ánh sáng. (Ảnh: Đại học Warwick).
Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh kết luận không thể khai thác đá quý trên HAT-P-7b bởi khí quyển hành tinh có nhiệt độ lên tới gần 2.600 độ C do ở gần ngôi sao mẹ hơn 26 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Hành tinh HAT-P-7b có kích thước lớn gấp 16 lần Trái Đất và lớn hơn 40% so với sao Mộc. Nó mất hai ngày để quay quanh ngôi sao mẹ lớn gấp đôi Mặt Trời. Qua phân tích ánh sáng phản xạ từ khí quyển hành tinh, các nhà khoa học nhận thấy độ sáng của HAT-P-7b thay đổi theo tốc độ gió. Ở tốc độ mạnh nhất, luồng gió từ xích đạo đẩy những khoảng mây lớn ngang qua hành tinh che phủ một phần ánh sáng từ ngôi sao mẹ.
Theo tiến sĩ David Armstrong, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Warwick, Anh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, HAT-P-7b chịu ảnh của của những cơn gió mạnh liên tục biến động, có thể dẫn đến bão xoáy dữ dội. Hành tinh này không phù hợp để định cư do môi trường thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ quá cao. Một mặt của hành tinh luôn hướng về ngôi sao mẹ nên nóng hơn nhiều so với nửa còn lại.
“Hành tinh có những đám mây chứa đá ruby và sapphire. Nhưng nó lớn hơn sao Mộc và rất nóng nên chúng ta không bao giờ có thể đến được. Những cơn gió mạnh ở sao Mộc, sao Diêm Vương và Hải Vương không thể sánh với trên hành tinh này”, tiến sĩ Armstrong nói.
Theo VnExpress