Máy đọc ý nghĩ của khủng bố

Máy đọc ý nghĩ của khủng bố

Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra cách có thể giúp họ phát hiện thời gian, địa điểm, phương thức tiến hành các vụ khủng bố trong tương lai.

Máy đọc ý nghĩ của khủng bố

Một vụ tấn công khủng bố tại Ấn Độ vào năm 2008. Ảnh: scrapetv.com

Kỹ thuật mới chẳng những giúp giới chức ngăn chặn các vụ khủng bố trước khi chúng xảy ra, mà còn có thể giúp cảnh sát ngăn chặn nhiều hành vi phạm pháp khác. Ngoài ra nó còn giúp cảnh sát điều tra những tên tội phạm sau khi chúng gây án.

Discovery News cho biết, các nhà khoa học của Đại học Northwestern tại Mỹ sử dụng công nghệ đọc sóng não để phân tích ý định của những phần tử có ý định tấn công khủng bố.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Psychophysiology, nhóm nghiên cứu cho biết họ mời 29 sinh viên tham gia một thử nghiệm mà trong đó các tình nguyện viên phải tưởng tượng họ sắp thực hiện một vụ tấn công khủng bố.

Nhóm nghiên cứu chia các sinh viên thành hai nhóm. Một nhóm lên kế hoạch du lịch, còn nhóm kia lên kế hoạch khủng bố. Sau đó họ đội mũ có các điện cực để theo dõi sóng não rồi xem hình ảnh của nhiều thành phố, các phương thức khủng bố cùng các hình ảnh liên quan.

“Chúng tôi yêu cầu nhóm sinh viên chọn một lý do để tiến hành vụ khủng bố. Sau đó họ ngồi trên ghế và nhìn vào màn hình để chúng tôi đặt mũ gắn các điện cực lên đầu họ”, J. Peter Rosenfeld, một chuyên gia của Đại học Northwestern, nói.

Các điện cực trên máy đo sóng não P300. Đây là loại sóng não tự động phản ứng với các kích thích bắt đầu tại nơi tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương rồi lan ra phần còn lại của não bộ. Khi sóng chạm tới vỏ não, các điện cực sẽ ghi lại tín hiệu. Đối tượng càng phản ứng mạnh với một kích thích cụ thể thì sóng P300 càng rõ.

Khi loạt hình ảnh được chiếu, các nhà khoa học nhận thấy có mối liên quan giữa các sóng não mạnh nhất và kế hoạch phạm tội. Ví dụ, khi các sinh viên quan sát hình ảnh thành phố định tấn công, sóng P300 khá mạnh. Sóng này yếu hơn khi họ quan sát những hình ảnh không liên quan đến kế hoạch khủng bố. Các nhà khoa học so sánh cường độ của tất cả các sóng não để tìm ra người đang lên kế hoạch tấn công, địa điểm, thời gian và phương thức hành động.

Ở nhóm sinh viên lên kế hoạch du lịch, sóng não P300 không mạnh như nhóm đóng giả khủng bố.

Rosenfeld cho biết, nếu nhóm nghiên cứu theo dõi những tên khủng bố thật, sóng P300 thậm chí còn rõ ràng hơn. Trong thí nghiệm, sinh viên chỉ lên kế hoạch khủng bố trong 30 phút. Còn những kẻ khủng bố thực sự dành hàng ngày, hàng tuần và thậm chí vài tháng để lên kế hoạch tấn công. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc sóng não P300 của chúng sẽ mạnh hơn.

Khi lên kế hoạch tấn công, những tên khủng bố cũng lên kế hoạch phòng thủ. Đó là lý do sóng P300 có thể bị đánh bại. Bằng cách tạo ra một phản ứng mạnh với một hình ảnh không liên quan đến kế hoạch tấn công, chúng có thể đánh lừa máy ghi sóng não. Trong tương lai gần, rất ít có khả năng công nghệ mới này được ứng dụng để ngăn chặn tấn công khủng bố. Nhưng hiện tại, nó mở ra nhiều triển vọng cho công tác an ninh trong tương lai.

 

Theo VnExpress