Máy sấy quần áo là một dụng cụ thiết yếu của các hộ gia đình. Tuy nhiên, các máy sấy quần áo truyền thống thường dùng phương pháp làm nóng rồi sấy – đây là phương pháp rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả cao.
Chiếc máy sấy siêu âm là một bước tiến lớn của ngành công nghệ khoa học. Thay vì việc làm nóng rồi sấy, chiếc máy này sử dụng nhịp rung với tần số cao để loại bỏ nước và độ ẩm ra khỏi quần áo. Cách hoạt động của máy này giúp quần áo khô nhanh hơn, tiện lợi hơn, tiết kiệm chi phí hơn so với máy sấy quần áo truyền thống, và đương nhiên cũng tốt hơn cho sợi vải nữa.
Theo chia sẻ trên trang CNN, Ayyoub Momen– người đứng đầu cuộc nghiên cứu, mẫu hoàn thiện của chiếc máy này dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 8, và sẽ bắt đầu đi vào thị trường người tiêu dùng thông qua các đối tác như General Electric. Momen kỳ vọng rằng chiếc máy này sẽ chỉ có giá khoảng 500 USD (tầm 11 triệu đồng) và sẽ giảm thiểu con số khổng lồ 9 tỷ USD mỗi năm mà người dân Mỹ tiêu tốn để làm khô quần áo của họ.
Chiếc máy sấy siêu âm là một bước tiến lớn của ngành công nghệ khoa học.
Thay vì sử dụng cách thức làm nóng truyền thống, Momen và nhóm nghiên cứu của ông sử dụng các thiết bị điện được gọi là đầu dò áp điện để phát ra âm thanh với âm lượng cao đến nỗi động vật cũng không thể nghe được. Âm thanh đó sẽ gây nên độ rung nhất định khiến cho các sợi vải ướt rung lắc mạnh và tất cả các hạt nước và chất ẩm ướt sẽ bị tách ra khỏi vải ngay cả trong không khí lạnh. Những hạt nước đó sau đó sẽ biến thành dạng thức như sương và được thu thập vào một chiếc bể nhỏ.
Không nhiệt, ít xơ vải
Máy sấy siêu âm sử dụng năng lượng hiệu quả nhiều hơn từ ba đến năm lần so với máy sấy thông thường đang được tiêu thụ trên thị trường. Nó có thể làm khô nguyên một khối máy giặt đầy chỉ trong vòng 20 đến 30 phút, trong khi thời gian thông thường là 40 đến 60 phút. Việc không dùng nhiệt cũng giúp quần áo của bạn được bảo vệ nhiều hơn, và dĩ nhiên sẽ không có hiện tượng sợi vải bị xơ do bị nhiệt tác động mạnh.
Tuy nhiên, điều khiến Momen hứng thú nhất chính là tác động toàn diện của phát minh này đối với việc sử dụng năng lượng của cả đất nước. Theo thống kê của chính phủ, khoảng 85% các hộ gia đình hiện tại sở hữu ít nhất một chiếc máy sấy quần áo, và phần điện năng dùng khi sử dụng chúng chiếm tới 4% tổng lượng điện năng sử dụng của các gia đình.
Momen đã phát triển ý tưởng về chiếc máy sấy siêu âm khi nhận lời thách thức sáng tạo máy sấy của Bộ Năng lượng vào năm 2014. Ông bắt đầu mô hình sáng tạo của mình trên độ ẩm siêu âm hiện có và bắt đầu thử nghiệm sấy thử trên một vài mẫu vải nhỏ. Và trong vài tuần tới, ông sẽ hoàn thành một chiếc máy hoàn chỉnh có thể sấy khô lượng quần áo đầy một cối máy giặt.
Các nhà nghiên cứu thử nghiệm một mô hình máy sấy sử dụng công nghệ siêu âm.
Đó là cột mốc đánh dấu sự bắt đầu thâm nhập vào thị trường tiêu dùng của máy sấy siêu âm, tuy nhiên Momen cho biết quá trình này sẽ phải mất khoảng 5 năm. Ông sẽ làm việc với General electric để giảm giá thành, tinh chỉnh thiết kế và xây dựng dây chuyền sản xuất máy sấy siêu âm này.
“Chúng tôi ước tính rằng nó sẽ có giá khoảng $500 đến $1000 khi đến tay người tiêu dùng, tương đương với giá của chiếc máy sấy thông thường hiện nay”, Momen chia sẻ. Ông còn nhấn mạnh rằng General Electric (GE) sẽ đưa ra giá cuối cùng, nhưng “ngay từ lúc bắt đầu chúng tôi đã biết rằng, chúng phải được đưa ra thị trường để tạo ra sự khác biệt”, ông nói.
Sự khác biệt đó vô cùng quan trọng với Momen-người cho rằng năng lượng là “một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất trong kỷ nguyên hiện đại này”. Ông khẳng định: “Mỹ vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài. Chúng ta phải thay đổi và chúng tôi đang bắt đầu bằng chiếc máy sấy siêu âm này”.
Theo vnreview