Theo đánh giá của PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, việc chế tạo thành công máy sấy tầng sôi tạo hạt (MSTSTH) của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng thật sự đã góp phần cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm lao động, thời gian và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Đây còn là bước tiến trong việc làm chủ công nghệ và nội địa hóa thiết bị công nghiệp Việt Nam…
Máy nội – hiệu quả cao
“Hơn 2 năm nay sử dụng, chúng tôi nhận thấy MSTSTH của Việt Nam không thua máy ngoại nhập và hơn nữa, giá của nó chưa tới 1/3 so với máy của Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, khi sử dụng MSTSTH để sấy khô nguyên liệu, chúng tôi đã giảm được trên 30% lượng điện năng tiêu thụ, tiết kiệm được hàng ngàn ngày công” – ông Lê Quốc Tùy, Phó Giám đốc Công ty SX-KD Thuốc thú y (VEMEDIM) cho biết như thế.
Máy sấy tầng sôi tạo hạt do Viện Cơ học và Tin học ứng dụng chế tạo đang được Công ty VEMEDIM dùng để sản xuất thuốc thú y. |
Tại phân xưởng sản xuất của Công ty VEMEDIM, dược sĩ Lê Văn Điền vừa hướng dẫn khách tham quan vừa giới thiệu về tính năng, công dụng và ưu điểm của MSTSTH do Việt Nam chế tạo. “Chúng tôi nhận thấy máy có nhiều ưu điểm như mẫu mã khá đẹp, gọn nhẹ dễ tháo lắp, thuận tiện. Về chất lượng thì, giảm thiểu tiếng ồn, bụi khói…” – Ông Điền nói.
Ông Điền dẫn chứng, trước đây, khi sấy khoảng 120kg vật liệu, công ty phải dùng 4 máy sấy tĩnh chạy trong 5 tiếng đồng hồ và phải dùng tay trộn, nhưng khi sấy hạt bằng MSTSTH thì thời gian thực hiện sấy chỉ còn 40 phút…
Dược sĩ Lê Văn Điền cho biết thêm, từ khi mua MSTSTH công ty đã loại bỏ được 3 máy sấy tĩnh, chỉ để lại một máy sấy tĩnh để dùng trong trường hợp bất đắc dĩ. Vì vậy, sau 1 năm thí điểm có hiệu quả, công ty đã đặt mua thêm MSTSTH thứ 2.
Đủ sức cạnh tranh với máy ngoại
Theo kỹ sư Nguyễn Tuấn Linh, Phó giám đốc Xưởng cơ khí chính xác (Viện Cơ học và Tin học ứng dụng), là chủ nhiệm đề tài: Những năm gần đây, do nhu cầu mở rộng sản xuất và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm thiểu chi phí sản xuất… một số công ty sản xuất dược, thuốc thú y và hóa chất vừa và nhỏ ở Việt Nam đã tìm mua MSTSTH. Tuy nhiên, khi tham khảo giá thành và chất lượng của MSTSTH của nước ngoài thì họ cho rằng giá máy ngoại nhập quá đắt (từ 185.000USD – 220.000USD/chiếc) và chế độ bảo hành, bảo trì rất phức tạp… Vì vậy, các doanh nghiệp đã gửi đơn đặt hàng cho Viện Cơ học và Tin học ứng dụng nghiên cứu chế tạo MSTSTH.
Qua nghiên cứu cho thấy, MSTSTH là sự phối hợp dây chuyền giữa 5 loại máy chức năng: trộn, chỉnh nhiệt, làm ướt, làm khô, tạo hạt. Việc khó nhất là làm sao đảm bảo các hạt có sự kết dính, đảm bảo độ ẩm, sức gió, “độ sôi”… Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, chúng tôi cũng đã tìm ra “bí quyết” và chế tạo thành công MSTSTH mini. Từ thắng lợi này, Viện Cơ học và Tin học ứng dụng đã chuyển sang chế tạo được MSTSTH có công suất lớn hơn. Hiện Viện Cơ học và Tin học ứng dụng đã có thể chế tạo MSTSTH có công suất theo nhu cầu của khách hàng, với mức giá chưa bằng 1/3 giá máy của nước ngoài (Đài Loan – Trung Quốc), kỹ sư Nguyễn Tuấn Linh cho biết thêm như vậy.
Chính vì thế, tại buổi nghiệm thu dự án MSTSTH vừa được tổ chức ở Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu dự án, PGS-TS Lê Hoài Quốc, đánh giá: Ngoài việc đảm bảo các yếu tố khoa học, chất lượng… thì MSTSTH do Viện Cơ học và Tin học ứng dụng sản xuất là một dự án mang tính ứng dụng cao. Nó mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp và còn cho thấy, MSTSTH của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng chế tạo đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Theo SGGP