Máy tuốt bắp của người dân tộc K’Ho

Một nông dân tộc K’Ho, mới học hết lớp 9 và chưa từng qua trường lớp cơ khí đã mày mò cải tiến thành công chiếc máy tuốt bắp, nâng năng suất lao động lên hàng chục lần so với phương thức thủ công. Người nông dân đó là K’Sá Ha Tang, sống tại thôn I, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Xã Đạ Sar nơi K’Sá Ha Tang sinh sống là một xã nghèo, kinh tế tự cấp tự túc là chủ yếu. Bắp (ngô) là cây lương thực chính của bà con nơi đây. Toàn xã có khoảng 500 hộ thì cũng chừng đó nhà trồng bắp. Những hộ trồng nhiều mỗi vụ thu hoạch vài trăm gùi nhưng để tuốt được một gùi bắp bằng tay người ta phải mất đến gần một ngày công. Điều này làm Ha Tang trăn trở và tự đặt ra nhiệm vụ: chế tạo một công cụ giúp gia đình và bà con tiết kiệm thời gian tuốt bắp.

Một lần xuống huyện Dực Trọng, Ha Tang thấy chiếc máy đánh bắp mà bà con ở đây đang sử dụng. Tuy nhiên, theo anh chiếc máy này còn hạn chế ở chỗ: cùi bắp bị đánh nát, thậm chí một phần hạt bắp cũng bị vỡ do lực đập mạnh. Thêm vào đó, chiếc máy này quá cồng kềnh, chỉ sử dụng ở những vùng địa hình bằng phẳng, đường giao thông thuận lợi chứ đưa vào vùng đồi núi Đạ Sar thì rất khó.

Tuy chưa qua trường lớp và không có sự hướng dẫn của cán bộ, kỹ sư nào nhưng Ha Tang vẫn quyết tâm chế chiếc máy tuốt bắp như ý muốn.

Sau ba năm vật lộn với hàng trăm lần tháo ra, lắp vào và thay thế thiết bị, cuối năm 2003 niềm vui của Ha Tang vỡ òa khi chiếc máy tuốt bắp hoàn thiện. Cấu tạo của chiếc máy tuốt bắp này rất đơn giản: vài thiết bị quay, dây cu-roa và bánh răng lấy từ máy tuốt lúa, thiết bị ép bẩy hạt bắp, cánh quạt sàng phân loại hạt bắp… Tất cả được gắn kết và bọc trong chiếc vỏ bằng tôn rất gọn gàng. Điểm tiện lợi của chiếc máy này là có thể sử dụng động cơ điện, động cơ chạy bằng dầu hoặc quay bằng tay. Trái bắp sau khi bỏ vào máy (mỗi lần bốn quả) hạt sẽ được lẩy riêng, cùi riêng mà cả hạt và cùi đều không bị dập nát. Thời gian tuốt một gùi bắp chỉ trong vòng khoảng 5 phút.

Với sáng chế trên, K’Sá Ha Tang đã được Bộ Khoa học – Công nghệ chọn là một trong 15 “Nhà khoa học chân đất” tham dự Chợ Công nghệ thiết bị Việt Nam 2005.

 

Theo VnExpress