Mẹ bầu viêm nhiễm: cực hại cho con!

0
112
Vì sao mẹ bầu hay bị viêm nhiễm
Khi mang thai, do nồng độ nội tiết tố tăng cao hơn bình thường, nồng độ pH trong âm đạo thay đổi khiến vi khuẩn và nấm kí sinh ở đó có cơ hội phát triển nhiều hơn. Đó là lý do vì sao các mẹ bầu rất hay gặp phải hiện tượng viêm nhiễm.

Viêm nhiễm phụ khoa có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt là ở nữ giới bởi vị trí bộ phận sinh dục nữ nằm thấp hơn ở nam và nằm sâu bên trong cơ thể. Nhiễm khuẩn âm đạo do đó cũng xảy ra phổ biến hơn. Điều đáng lo ngại là viêm nhiễm phụ khoa ở mẹ có thể lây nhiễm sang con ngay khi đứa trẻ ở trong bào thai. Vì thế, bài viết này sẽ cung cấp cho các mẹ bầu những điều cơ bản nhất về viêm nhiễm phụ khoa ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào. Hãy đọc tiếp và tìm hiểu thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé yêu.

Dấu hiệu cho thấy mẹ bị viêm nhiễm
Viêm nhiễm phụ khoa nếu không được chữa trị kịp thời có thể lây lan sâu và dẫn đến việc nhiễm trùng nặng. Vậy làm thế nào để biết mẹ bị viêm nhiễm phụ khoa và chữa trị sớm? Dưới đây là những dấu hiệu mà mẹ cần lưu ý:
+ Ngứa, đau nhức, nóng rát, da âm đạo đỏ và môi âm hộ sưng.
+ Dịch tiết ở âm đạo đổi màu trắng sữa, xanh hoặc nâu.
+ Dịch âm đạo có mùi.
+ Gây ra cảm giác khó chịu và gây đau khi quan hệ tình dục.

Viêm nhiễm phụ khoa ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Mặc dù bệnh phụ khoa không bị lây cho em bé trong suốt thời kỳ mang thai, nhưng khi mẹ sinh thường, em bé đi qua cổ tử cung của mẹ để ra ngoài và rất có thể sẽ bị nhiễm vi khuẩn, vi nấm từ mẹ.

Dấu hiệu của bé khi bị nhiễm nấm phụ khoa từ mẹ chính là bệnh tưa miệng. Nhiều mẹ thường cho rằng trẻ bị tưa miệng (đốm trắng trong vòm miệng và trên lưỡi) là do bú sữa mẹ, nhưng thực tế trẻ đã bị nhiễm nấm từ mẹ trong quá trình sinh. Nấm phụ khoa từ miệng trẻ cũng có thể lây lại sang mẹ khi trẻ ngậm đầu vú mẹ để bú sữa. Nhiều bà mẹ bị viêm sưng vú trong thời kỳ cho con bú cũng là nguyên nhân này, nhưng họ không hề hay biết. 

Để chữa bệnh tưa lưỡi ở trẻ và viêm vú ở mẹ, bạn cần gặp bác sĩ và dùng thuốc có chỉ định an toàn cho trẻ sơ sinh để không ảnh hưởng đến việc bú sữa của con.
Khắc phục sớm viêm nhiễm khi mang thai
Nếu thấy những triệu chứng trên hoặc nghi ngờ bị viêm nhiễm, mẹ bầu nên lập tức đến bệnh viện để khám và tư vấn cách điều trị sớm nhất có thể. Các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm dịch âm đạo để xác định chính xác tình trạng bệnh, mẹ cũng đừng quên cung cấp các triệu chứng bệnh mà mình thấy và cảm nhận để bác sĩ tiến hành khám và chẩn đoán chính xác hơn. 
Bên cạnh đó, mẹ tuyệt đối không được tự dùng thuốc kháng nấm mà không có chỉ định của bác sĩ, bởi một vài triệu chứng của mẹ có thể giống với một căn bệnh khác cũng lây nhiễm qua đường tình dục. Đặc biệt, khi đang mang thai, mẹ bầu cần cẩn trọng trong việc uống thuốc và chữa bệnh nói chung. Trong trường hợp đã có kết quả chính xác về viêm nhiễm âm đạo trong thời kỳ mang thai, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và kem bôi ngoài kháng khuẩn đủ an toàn với bà bầu.
Đối với hầu hết các loại nấm, kem bôi và thuốc chứa clotrimazole thường đem lại hiệu quả cao hơn những loại thuốc chứa nystatin. Mẹ cần phải bôi thuốc và đặt thuốc vào âm đạo trong một khoảng thời gian dài liên tục (khoảng 7 ngày) để điều trị dứt điểm việc viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến thai nhi. 
Để làm dịu cảm giác nóng rát và khó chịu ở vùng kín, mẹ cũng không nên dùng nước nóng để vệ sinh cơ thể và khu vực bị viêm nhiễm. Thay vào đó, nên dùng nước lạnh và dung dịch có độ pH thích hợp để vệ sinh vùng kín.
Mẹ cũng đừng quên đi khám lại sau thời gian điều trị bệnh đề phòng tái nhiễm, hơn nữa, kết quả hết nhiễm nấm hoàn toàn sẽ giúp mẹ yên tâm hơn để có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé loại bỏ được nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn phụ khoa từ mẹ.
Làm gì để giảm nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa?
Để phòng tránh nguy hiểm từ bệnh phụ khoa đến thai nhi, mẹ cần tuân thủ việc vệ sinh vùng kín đúng cách hàng ngày. Dưới đây là những cách làm giảm nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa:
+ Mặc đồ lót làm bằng chất liệu vải cotton mềm và thoáng mát.
+ Không mặc đồ lót quá chật khiến tăng nhiệt độ vùng kín và tạo điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển.
+ Sau khi bơi ở dưới nước lên hãy tắm rửa sạch thay quần áo khô ngay.
+ Sau khi tập thể dục xong, thay quần áo luôn và tắm sạch mồ hôi ngay sau đó.
+ Hãy hình thành thói quen ngủ không mặc đồ lót để làm thông thoáng vùng kín cả đêm.
+ Tránh tắm bằng xà bông thơm có nhiều hóa chất và độ bào mòn cao.
+ Tránh xịt nước hoa vào vùng kín.
+ Dùng dung dịch vệ sinh có độ pH thích hợp.
+ Vệ sinh vùng kín hàng ngày và sau khi đi vệ sinh với nước lạnh, không dùng nước quá nóng.
+ Luôn luôn lau chùi vùng kín từ trước ra sau.
Nguyễn Mai Nguồn: BC

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.