Một trong những điều khiến mình thấy cuộc sống này thật nhẹ nhàng, dễ chịu, đơn giản, thú vị, đó chính là việc mình đã làm bạn được với con. Một người bạn thực sự, theo đúng nghĩa của từ này. Đây cũng chính là lý do khiến mình cho con đi học xa nhà sớm mà không e ngại nhiều, bởi mình nghĩ: khi đã là bạn, dù ở đâu cũng hiểu nhau, tin tưởng nhau và phấn đấu vì nhau. Để làm bạn với con, mình cũng học hỏi qua sách vở, qua bạn bè. Và vì thế mình rất muốn chia sẻ lại những điều mình đã học hỏi và đã áp dụng với con trai của mình nhé.
1. Khi con còn nhỏ, mình luôn đặt ra mục tiêu: Chơi đùa với con càng nhiều càng tốt, nói chuyện với con càng lâu càng tốt. Khi nói chuyện, cố gắng cúi xuống để con có thể nhìn thấy mẹ. Mình cũng không quá chú trọng đến việc con có chăm chú nghe mình nói hay có hưởng ứng trò chơi của mình hay không. Mình luôn cho rằng, não của trẻ liên tục ghi nhận những ảnh hưởng của mẹ, kể cả lúc chúng không chú ý. Và vì thế, mình cố gắng không bỏ lỡ cơ hội để trở thành một bà mẹ “biết – chơi”.
2. Không bao giờ quên những dịp kỷ niệm của con như: ngày sinh nhật, ngày con mọc chiếc răng đầu tiên, ngày con biết đi… Mình ghi tất cả những ngày đó vào một cuốn sổ. Mình tin rằng, chỉ cần khi con vừa khôn lớn, nhìn lại những mốc đó, con hiểu rằng, có một tình yêu thủy chung đến thế nào đang chờ con.
3. Một trong những điều quan trọng để con “chấp nhận” làm bạn đó là, biết xin lỗi con một cách thành thực. Xin lỗi con không phải là một việc làm hạ thấp bản thân cũng không làm giảm quyền lực của bố mẹ. Đây thực ra là cách dạy con biết nhận lỗi, đồng thời, con cảm thấy, bố mẹ không phải là một nhân vật quá “quyền năng”, quá xa cách. Mình cũng cho con biết rằng mình không hề hoàn hảo. Mình có nhiều khuyết điểm, và mong con bù đắp được những khuyết điểm đó.
4. Khi con lớn, mình thường hòa vào những sở thích của con. Mình cố gắng để nghe loại nhạc mà con thích, đi xem cùng con, bàn luận về những chủ đề con quan tâm. Mình không ngại ngần sử dụng ngôn ngữ mà giới trẻ hay dùng. Không lên án mà cố gắng tìm hiểu những trào lưu mà mọi người hay tặc lưỡi “ đúng là trẻ con”.
5. Mình cũng giống như các bà mẹ khác, mong muốn được yêu con bằng một tình yêu không – điều – kiện. Thể hiện rõ nhất của tình yêu không điều kiện đó là cách khen con mỗi khi con đạt điểm tốt trong một kỳ thi, con đạt giải thưởng. Thay vì nói: Con giỏi quá, mẹ rất yêu con! Mình nói: Mẹ rất tự hào về con. Mẹ biết là con rất cố gắng. Nhưng ngay cả những khi con không đạt những thành tích như vậy, mẹ sẽ chỉ buồn chứ không yêu con ít hơn. Con nhớ điều đó nhé. Trước mỗi cuộc thi thuyết trình, hùng biện tiếng Anh của Nam, mình đều nắm tay con và nói: Mẹ tự hào về em ngay cả trước khi em tham gia thi, trước khi em trình bày bài thuyết trình của mình, đơn giản vì mẹ yêu em lắm í. Nam luôn mỉm cười, nắm lại tay mẹ và vào thi như một con chim sáo.
Khi mình yêu con bằng một tình yêu không điều kiện có nghĩa là mình chấp nhận con với những hạn chế. Và điều đó sẽ giúp con suy nghĩ rằng, tình yêu của cha mẹ không phụ thuộc vào việc con có thành đạt hay không mà đơn giản chỉ vì con là con của bố mẹ. Chính điều đó sẽ là tiền đề cho những cuộc nói chuyện thân mật bởi con hiểu rằng, mẹ luôn chấp nhận con và không chất lên con những kỳ vọng của mẹ.
Mình chắc chắn rằng không vì thế mà con sẽ không cố gắng. Bởi khi có một tình bạn, một tình yêu đang chờ mình, con sẽ làm được nhiều việc trong khả năng có thể.
6. Mình luôn trao cho con cảm giác an toàn. Để con thấy rằng, trở về nhà là bình yên, là tuyệt vời. Có thể con không được khen ngợi, không được đón nhận, con bị chê bai ở bên ngoài, nhưng không sao cả, về nhà là con có thể hoàn toàn yên tâm, bố mẹ sẽ không nói về điều đó nữa. Bố mẹ chỉ ra cho con, cách thức làm thế nào tốt hơn chứ không hề công kích. Mình nhớ, hồi nhỏ, mình cứ bị bọn con trai bắt nạt vì mình ăn mặc “kiểu trẻ em thành phố” trong khi mình đang ở nông thôn. Mình lo sợ lắm, ngày nào trước khi đi học, mình cũng lục tìm trong tủ những quần áo cho giống với các bạn nhất. Rồi mẹ mình biết chuyện, mẹ tự tay tháo những hình thêu trên áo, mẹ lặng lẽ gặp các bạn bắt nạt để nói chuyện. Mẹ cũng không hề nói lại cho mình biết nhưng mình cảm nhận rất rõ. Và mình luôn thấy thật ấm áp, thật an toàn, thật tin tưởng. Mình cũng muốn trao cho Nam cảm giác ấy.
7. Mình cố gắng để chuyển những yêu cầu, những mong muốn thành những câu ngắn gọn và nếu pha được chút hài hước thì tốt. Ví dụ, mình phê phán phòng ở bừa bộn của con: Phòng con chỉ còn mỗi trần là sạch thôi đấy. Thế là Nam hiểu ý ngay . Mình nhắc Nam việc tắt điện khi ra khỏi phòng (khi còn nhỏ) bằng trò chơi: Ghi tên bố, mẹ và Nam lên một cái bảng, có kẻ các ô vuông. Điều kiện chơi là: hễ người nào thấy người kia không tắt điện thì sẽ đánh dấu vào tên người đó, cuối tuần tổng kết lại, ai bị nhiều dấu nhất sẽ bị “phạt”. Hình phạt thì do hai người còn lại tùy chọn. Đôi khi, mình cũng giả vờ quên để Nam được đánh dấu. Và vì Nam rất sợ bị đánh dấu nên phải rất cố gắng. Chỉ một thời gian, khi trò chơi kết thúc, Nam tự nhiên đã hình thành thói quen với tay tắt điện khi ra khỏi phòng. Trò chơi này có thể áp dụng cho nhiều việc khác nữa. Nó đơn giản hơn là việc gào thét, quát tháo. Mình nghĩ là vậy.
8. Trong những lời chê của mình, mình luôn mong muốn kết hợp: Khen ngợi+Nhắc nhở+ Động viên. Ví dụ, khi con bày sách vở ra bàn học, mình sẽ nói: Mẹ thấy con học rất chăm chú, tập trung nhưng mẹ không vui khi con bày sách vở ra bàn thế này, lần sau con chú ý đến cả việc dọn dẹp sách vở nữa. Kiểu như thế.
9. Mình không bao giờ ngại ngần nói về những chuyện “tế nhị”. Tuổi mới lớn có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, tình dục. Mình thường cùng con đọc sách, lắng nghe những câu hỏi của con. Hai mẹ con cũng nghĩ ra những từ vui vui để chỉ những chuyện khó nói, ví dụ gọi BCS là “Ba cây sồi” rồi nghĩ ra đủ thứ chuyện về Ba cây sồi để con có thể hiểu và không hề khó khăn khi nói với bố mẹ. Hôm trước ở trường, Nam được nghe nói chuyện về việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Nam kể cho mẹ và kết luận: Trường đã mời một chuyên gia về việc này đến nói chuyện, nhưng em vẫn thấy tổng kết của mẹ là “kinh khủng” hơn cả, đó là, số lượng trẻ em bị bỏ tương đương với số người mất trong chiến tranh. Cuộc “chiến tranh” do mẹ trình bày có ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ của em. Và mình tin, những điều được chia sẻ như thế sẽ giúp cho con sống lành mạnh, không ngại ngần, không lo lắng vì không có người hiểu mình.
10. Mình cố gắng chuyển những điều mình muốn dạy thành những việc làm thuộc sở trường của Nam. Ví dụ, mình muốn hướng dẫn con tìm hiểu về giới tính trong khi con có khả năng về tin học, thế là mình “đặt hàng” Nam làm một phần mềm về Sức khỏe sinh sản. Mình muốn Nam vận động nhiều hơn, mình “đặt hàng” con chụp ảnh về quang cảnh xung quanh vì Nam vô cùng mê máy ảnh… Mặc dù Nam thừa biết dụng ý của mẹ, nhưng chính những tác động về sở thích khiến Nam rất mong muốn được nói chuyện với mẹ, được trình bày, được chia sẻ.
11. Thi thoảng, tạo ra một cuộc “hò hẹn” với con. Mình luôn làm Nam bất ngờ vì những cuộc hò hẹn như vậy. Mình nhắn tin hoặc để lại thư, ghi địa điểm và Nam tự tìm cách đi đến đó, mình đã chờ sẵn ở đó. Địa điểm để “hò hẹn” thì không phải là quán ăn hay quán café mà là những chỗ con được sống cùng thiên nhiên, như một bãi cỏ, một góc công viên. Ở đó, Nam được nằm khểnh và nói chuyện luyên thuyên. Mình nghĩ, thông thường, một đứa trẻ sẽ yêu bà của chúng và luôn tìm về bà mỗi khi gặp khó khăn là bởi, bà không hỏi những câu hỏi khó, bà không biết đến những thay đổi của giới trẻ, bà có thể kể đi kể lại một chuyện mãi không biết chán, bà không nhắn tin trong khi nghe nói chuyện. Có nghĩa là bà luôn ở đó để sẵn sàng mến yêu một cách hiền lành. Vậy nên, trong khi con chưa có điều kiện để về gặp bà thường xuyên, mình cố gắng “hò hẹn” và trong lần hò hẹn đó, trở thành “một người bà” để lắng nghe con “một cách hiền lành”.
12. Cố gắng tạo ra cho con những “món quà” đẹp nhất. Những “món quà” mà mình đem đến cho con không phải là những món đồ chơi mà chính là những khoảnh khắc ghi dấu những kỷ niệm. Mình luôn nghĩ rằng, những lần đùa chơi rượt đuổi với mẹ trên bãi biển, những đêm tối trời, tắt hết điện, nằm trùm chăn nghe kể chuyện “ma”, những đêm ngắm trăng hay cùng nhau tưới một cái cây và chờ hoa nở… tất cả những điều đó sẽ làm nên những “món quà” đựng trong ngăn kéo ấu thơ của con. Và nó khiến ký ức của con về bố mẹ ngập tràn những lung linh. Mình muốn làm bà mẹ “nghèo” để không nghĩ những vật dụng xa xỉ, đắt tiền, những đồ công nghiệp hiện đại mà tặng con những phút giây chơi đùa hạnh phúc bên bố mẹ.
13. Không cưng chiều con một cách thái quá. Mình nghĩ không phải cứ muốn làm bạn với con có nghĩa là nhu nhược, chạy theo các yêu cầu của con. Sẽ thật tuyệt vời nếu kết hợp được sự thân tình nhưng vẫn trong lề lối, khuôn phép. Mình không có thói quen làm thay, làm hộ. Có những việc thuộc nhiệm vụ của con thì khó mấy con cũng phải tìm cách vượt qua. Và trong quá trình làm, tất nhiên, con có thể tham khảo ý kiến cũng như nhận được sự động viên từ mẹ.
Thời gian luôn hối thúc chúng ta với một mớ những công việc và trách nhiệm, với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng mình cũng như các bà mẹ khác không muốn bỏ lỡ ngày nào trong tổng quỹ thời gian có thể để dành cho con. Bởi, không chỉ có công việc là quan trọng, hạnh phúc của con, niềm vui của bản thân mình và những người thân yêu mới là điều đáng phấn đấu trong cuộc đời này.
Mình thực sự cũng rất vụng về, nhiều sai sót. Nhưng vì tình yêu với mọi người, mình không ngại ngần chia sẻ, “một cách rất hiền lành” và mỗi khi mình viết, đó chính là giây phút mình được nhớ về những kỷ niệm của hai mẹ con. Điều đó thật dịu dàng làm sao!
(Trong một ngày, bạn Nam mỗi khi làm việc gì đều nhắn tin cho mẹ thông báo. Những tin nhắn thế này, rất là dễ làm mẹ mềm lòng í bạn Nam à).
Bài & Ảnh: FBNV
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.