Tâm lý dựng vợ gả chồng rồi sinh con đẻ cái vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của các bậc cha mẹ. Khi thấy con mình lập gia đình đã lâu mà chưa thấy “rục rịch” đường con cái có thể làm cho các bà mẹ, nhất là mẹ chồng đứng ngồi không yên. Điều này vô tình tạo ra một áp lực vô hình lên nàng dâu.
Nếu bạn cũng rơi vào hoàn cảnh này, sau đây là vài chia sẻ có thể giúp bạn tạm xoa dịu tình trạng thúc ép từ phía mẹ chồng. Tuy nhiên, bạn nên nhớ đây chỉ là lời khuyên để tạm đối phó thôi nhé.
-
1
Xác định nguyên nhân
Trước tiên, bạn cần hết sức thành thật với bản thân (và sau này là cả chồng bạn nữa) về nguyên nhân thật sự mà bạn chưa muốn có con. Đó có thể là bạn đang muốn dành ưu tiên cho sự nghiệp, tuổi trẻ, sở thích cá nhân nào đó, hay bạn không muốn có con vì những tổn thương tâm sinh lý trong quá khứ,…. Nếu chỉ vì những dự định trong tương lai khiến bạn không mặn mà với “tiếng cười trẻ thơ” lúc này thì hãy thẳng thắn và chân thành trao đổi với chồng; còn nếu bạn đã có ý định sẽ không bao giờ sinh hoặc nhận nuôi con thì bạn cũng nên suy nghĩ kỹ và đừng ngần ngại chia sẻ với chồng (thậm chí bạn nên can đảm và trung thực nói về những suy nghĩ này với ông xã từ trước khi kết hôn). Nếu cứ dùng dằng, lần lữa và tìm cách thoái thác mà không làm cho chồng hiểu rõ nguyên nhân thì bạn có lẽ sẽ mất đi một sự hỗ trợ tinh thần quý giá từ anh ấy và rất có thể là cũng sẽ mất cả tổ ấm mà bạn đã dày công gầy dựng bấy lâu.
Chính bạn là người biết rõ hơn ai hết vì sao mình chưa muốn có con
-
2
Lập kế hoạch
Đã biết được nguyên nhân cụ thể rồi (ở đây chỉ đề cập đến những nguyên nhân khiến bạn muốn trì hoãn việc có con hoặc nhận con nuôi), bạn nên cùng chồng bàn bạc và phác thảo kế hoạch sắp tới để hoàn thành những việc còn khiến bạn bận tâm và đề ra một thời điểm cụ thể cho việc chào đón thiên thần nhỏ vào mái ấm của bạn. Kế hoạch của bạn phải mang tính khả thi với những lý do hợp lý và cụ thể (đây sẽ là những lời thuyết phục đối với mẹ chồng đang mong cháu ngày đêm).
Trong kế hoạch của mình, tuy rất muốn đạt được những mục tiêu nhất định (như về nghề nghiệp, sức khoẻ,…) thì bạn cũng không nên để những mục tiêu ấy “ăn mòn” đi độ tuổi sung sức của bạn cho việc sinh nở (nên sinh con trước 35 tuổi) cũng như độ tuổi sung mãn của chồng cho việc “hùn hạp”. Bạn và chồng cũng nên dự trù trước hai người sẽ cùng “đầu tư” bao nhiêu bé để biết rõ từng mốc thời gian cụ thể trong kế hoạch của mình. Nên nhớ, kế hoạch nào cũng sẽ có rủi ro, do đó nếu bạn dự trù một khoản dôi ra về cả thời gian lẫn tiền bạc sẽ giúp bạn bớt “lao đao” hơn về sau này khi kế hoạch đang từng bước đi vào triển khai.
Dù kế hoạch như thế nào, nó luôn phải thoả mục tiêu “Vì một gia đình ấm no, hạnh phúc” sau này của bạn nhé.
-
3
Thuyết phục mẹ chồng
Có một sự chuẩn bị tốt là bạn đã đi được nửa đường của thành công. Đến lúc này, bạn sẽ thấy sự ủng hộ và “nói vào” của chồng cũng như những cân nhắc và lý lẽ hợp tình có được từ bản kế hoạch của bạn sẽ ít nhiều giúp bạn tiếp cận cửa ải mẹ chồng dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất là làm cho mẹ chồng hiểu rằng bà nhất định sẽ có cháu và cháu của bà cần được hưởng sự chăm sóc tốt nhất, mà sự chăm sóc tốt nhất này sẽ tuỳ thuộc phần lớn và các bước trong kế hoạch chi tiết mà bạn cùng chồng đã cân nhắc kỹ lưỡng.
Nếu chẳng may mọi sự hậu thuẫn từ chồng cùng bản kế hoạch vẫn không thể làm mẹ chồng “bùi tai”, hãy chuyển sang kế hoạch B bằng cách “mỗi bên nhường một bước”, bạn chấp nhận có con sớm hơn một chút và trong thời gian ấy hãy “mong mẹ chỉ bảo con những điều cần thiết cho bé yêu tương lai”. Nếu cương không được thì ta đành nhu nhưng quyết định có con vẫn nằm trong tay vợ chồng bạn cơ mà.
Với sự “cùng phe” của chồng và những lời lẽ dịu dàng, hợp lý hợp tình, bạn có thể thành công trong phi vụ “thương thảo” khó nhằn này.
-
4
Thực hiện kế hoạch
Đây là lúc bạn nên dồn hết công sức và tâm trí vào việc thực hiện kế hoạch đúng tiến độ. Nếu nguyên nhân là ở sự nghiệp, hãy dốc lòng phấn đấu để đạt được vị trí mong muốn. Tuy nhiên, bạn nên hết sức tỉnh táo để tránh “bẫy thăng tiến” khi đã đạt được mục tiêu rồi thì bạn lại muốn vươn tiếp đến những mục tiêu cao hơn. Xét cho cùng, bạn phấn đấu cũng là vì bé con nên đừng để những “cạm bẫy ngọt ngào” khác làm bạn lãng quên hạnh phúc cuối cùng của mình.
Nếu là do một trong hai người có trục trặc sinh lý, hãy chăm đi khám và chữa bệnh đến khi nào “thông suốt” mới thôi. Nếu lý do nằm ở sức khoẻ, còn chờ gì nữa mà bạn không tăng cường bồi bổ sức khoẻ thể chất và tinh thần cho mình. Tóm lại, dù cho là nguyên nhân nào thì bạn và chồng cũng nên dồn cả con tim và khối óc vào giải quyết đến tận cùng khó khăn ấy.
Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, hãy dồn hết tâm huyết vào những kế hoạch đã định nhưng đừng quên mục tiêu “Tất cả vì con em chúng ta” nhé
Cuộc sống vốn mang đến cho ta nhiều lựa chọn. Dù bạn chọn lựa thế nào, mong bạn luôn hạnh phúc và hài lòng với những quyết định ấy.