Mấy hôm nay khu xóm chợ mới xuất hiện một người đàn bà. Nhìn chị rách rưới, đầu tóc bết bát xõa xuống che đi khuôn mặt nên không nhìn rõ. Chị cứ lang thang bới chỗ để rác để kiếm ăn, hoặc mấy bà bán hàng rong nhìn khổ quá lại cho vài cái bánh cái trái ăn. Cả ngày chị chỉ thì thầm hai từ, lặp đi lặp lại: “con tôi, con tôi” rất nhỏ. Phải để ý lắng nghe lắm mới hiểu. Mà khi hiểu rồi càng thấy chua xót cho chị…
Cứ nhìn thấy đứa trẻ nào tầm hơn 1 tuổi lẫm chẫm là chị lại lao tới, ôm ấp, hôn hít và luôn mồm gọi: “con tôi, con tôi”. Và cứ như vậy là chị lại lĩnh đủ đòn bởi những người cha người mẹ kia vì làm con họ sợ. Cũng phải thôi, cha mẹ nào chả xót con. Tự dưng một mụ dở điên dở dại ở đâu ôm chầm lấy con mình thì cũng đáng đánh!
Khu chợ ấy có bà Lý bán xôi và mấy loại bánh giò, bánh rán…. Bà Lý cũng từng mất con rồi mất chồng, đến giờ ở một mình nên nhìn thấy chị thế một phần đồng cảm, một phần xót thương. Bà hay cho chị bánh để ăn, và rất nhân từ trìu mến với chị. Tình cảm của bà mỗi ngày gần chị hơn được một chút. Để rồi chị về nhà bà ở. Chị vẫn điên điên, dại dại, chị vẫn lẩm bẩm gọi con.
Được bà Lý chăm, cho thay đồ khác, tóc cột lại gọn gàng mới thấy rõ được khuôn mặt của chị. Chị không là hoa khôi nhưng có một nét duyên và rất phúc hậu. Da không trắng nhưng mịn bóng. Đúng là nhìn chị có vẻ ngoài rất ưa nhìn. Chị không còn lang thang ngoài chợ nữa. Chị ngồi im bên cạnh cái thúng bánh của bà Lý khi bà bán hàng. Bà Lý có chị thấy vui hơn, cười nhiều hơn. Mọi người ở xóm chợ ai cũng nghĩ cuộc sống của hai người đàn bà bất hạnh sẽ yên bình, nương tựa nhau từ đây.
Cho đến một ngày bà Lý không thấy chị ở nhà, ra chợ cũng không thấy chị lang thang ở đó. Bà ngóng một ngày, rồi hai ngày, ngày này qua ngày khác. Cuối cùng mọi người nói với bà thôi kệ chị. Chị điên nên không ở lâu được đâu. Nay nơi này mai lại nơi khác,… Nụ cười lại tắt hẳn trên gương mặt bà.
Bẵng đi một thời gian khá dài. Bỗng một hôm khu xóm chợ bỗng huyên náo. Người chạy rầm rầm, người hò hét: “Bắt lấy nó, bắt lấy con điên, bắt lấy con ăn trộm!!!”. Không ai khác, là người đàn bà điên dạo trước đang chạy thục mạng còn đám người đuổi đằng sau. Bà Lý vội vàng ngăn đám người đó để hỏi sự tình, hóa ra chị vừa lấy trộm mấy cái bánh mì ở quán của họ, có người nói bị chị lấy xúc xích, người thì kêu bị mất nước uống nhiều lần, hôm nay phải đuổi đánh một trận cho chừa đi, lần sau không ăn trộm nữa.
Bà Lý lột hết số tiền đang có trong túi đưa cho mấy người kia nói bồi thường giùm chị. Xong bà quay ra ngó nghiêng tìm. Chị đang co ro ngồi bên thúng bánh. Bà lại âu yếm dắt chị về, nhưng chợt khựng lại. Chị có bầu! Bụng chị đã lùm lùm thấy rõ. Mãi sau, nghe đâu người ta đồn, người đàn bà ấy vì điên điên dại dại mà bị kẻ xấu hãm hiếp, rồi có bầu, rồi bị chính gia đình mình tống khỏi cửa. Thành ra chị cứ lang thang như vậy mãi, đói thì trộm đồ ăn, bị đánh hết lần này đến lần khác nhưng sống chết không để ai đụng tới bụng mình.
Bà Lý rơi nước mắt, nắm nhẹ tay nói với chị:
– Không sao con gái, hãy ở bên mẹ.
Chị chỉ lẩm bẩm: “Con tôi, con tôi”.
Ba con người (tính cả đứa nhỏ tội nghiệp trong bụng) sống trong căn nhà tạm bợ và nghèo nàn. Bà Lý vẫn bán xôi, bán bánh nhưng đi sớm về muộn hơn. Có điều người ta thấy bà cười nhiều. Còn đứa con gái “hờ” của bà vẫn ngày ngày điên điên dại dại, vẫn lang thang mỗi ngày nhưng quẩn quanh chợ, không còn đi đâu xa nữa khi cái bụng đã no. Chỉ có điều chị đã thôi lẩm bẩm, thôi giật mình hoảng hốt bất kể lúc ngủ hay khi đang thức. Trước khi sinh chừng một tuần, bà Lý hết hàng về sớm còn thấy chị ngồi may may vá vá, sắp xếp mấy món đồ được người ta cho vào cái túi vải cũ trên giường. Thấy bà về, chị quay ra mỉm cười, khuôn mặt vẫn ngây ngây dại dại.
Vài ngày sau, có người làng bên đến trò chuyện nhỏ to, nói bà Lý khi nào chị sinh thì cho xin đứa nhỏ. Họ sẽ để lại khoản tiền to và chị vẫn ở với bà. Đúng lúc ấy thì thấy chị đi ra, đứng khựng lại và mắt long lên sòng sọc. Chị sợ hãi, hốt hoảng và giận dữ, gào lên đến lạc giọng: “Con tôi, con tôi” và lịm đi. Không lâu sau đó thì đứa trẻ chào đời. Trộm vía, nó bụ bẫm đáng yêu, ăn ngoan ngủ tốt nên bà Lý – giờ là bà ngoại nó mừng lắm. Bà cứ hay lẩm bẩm nựng cháu: “Cái con mẹ điên thế mà khôn, đố ai động được đến con nó, nhỉ?!”
Đăng Tâm
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.