Những lúc có chút rảnh rang ngồi với mấy bà hàng xóm, chị Nguyễn Thị Tiên (50 tuổi, thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Mê Thuột) thường nói vui như vậy. Con dâu chị xác nhận: “Đúng là mẹ già bằng ba người ở. Không có bà nội thì vợ chồng em chưa biết xoay xở ra sao”.
Chị Tiên lúc nào cũng quần xắn quá gối như bà giúp việc. Bốn giờ sáng, đèn sau nhà chị đã bật. Con trai, con dâu lục tục dậy chuẩn bị hàng hóa, chất đầy hai chiếc xe máy đi bán ở các buôn làng xa, khoảng ba, bốn giờ chiều mới về. Ba đứa cháu nội vẫn ngủ ngon cho bà giặt giũ hai thau quần áo chất đống từ chiều tối qua. Phơi quần áo xong, cũng là lúc nồi cháo trên bếp đã nhừ và cháu trai lớn thức dậy. Vệ sinh, cho cháu ăn sáng, chị dắt qua nhà bên cạnh nhờ chị chủ nhà cũng có con học mẫu giáo đưa tới trường giúp. Quay về, chị rửa thau chén đĩa thật nhanh để chăm hai bé em gái thức dậy.
Chị Tiên với công việc hàng ngày
Chị em sinh đôi, được 15 tháng tuổi, nhưng tính nết khác nhau. Cô em dậy trước, ngoan ngoãn nghe lời bà. Cô chị dậy sau, khóc từ trên giường khóc xuống, không chịu ăn mà bắt bà nội bế, vừa đi lại rềnh rang vừa đút ăn. Khoảng 10g, chị Tiên vét vội nồi cháo coi như bữa sáng và chuẩn bị bữa trưa cho ba bà cháu. Hai nách hai đứa, chị nằm hát ru đến 12g chúng mới ngủ. Chị quay ra quét dọn nhà cửa, rửa chén bát. Chị Tiên nói bữa nào các cháu ngủ ngoan thì bà nội được ngủ ké một chút. Thường bé chị khó ngủ hay quấy khóc, bà nội phải ẵm ra sân dỗ dành để bé em ngủ.
Hàng phố quen với cảnh chiều tối, bà cháu chị Tiên mang ghế ra ngồi ngoài hè đường, bà nội vừa bón cháu ăn, vừa rung đùi hát “Zô! Zô! Zô! À lê, a lế à lê…”. Cha mẹ mấy đứa nhỏ đi làm về, tạt qua trường đón con trai lớn, tắm từng đứa, giao lần lượt cho bà nội đút ăn. Buổi tối, chị Tiên tranh thủ phụ con dâu lựa hàng, chuẩn bị cho hôm sau. Con trai, con dâu 28-30 tuổi, đi làm về mệt lăn ra ngủ, ba đứa con lại giao cho bà.
Chuyện cháu nội trứng gà, trứng vịt, chị Tiên nhận là do mình. Bốn năm trước, con dâu sinh cháu trai đầu lòng, bà nội phấn khởi, bàn: “Đằng nào cũng đẻ, hai đứa đẻ một lèo đi bà chăm luôn thể ”. Đã phân công thằng lớn và con út đêm ngủ với bà, con thứ hai ngủ với bố mẹ, nhưng con dâu nhiều đêm mệt ngủ say như chết, con thức dậy đòi bú, đòi uống nước không hay, lại đến tay bà nội.
Chị Tiên quần quật suốt ngày, không lúc nào ngơi tay. Toàn những việc không tên, nhưng nếu chị không bắt tay vào, nhà cửa bừa bộn, con cháu nheo nhóc. Hàng xóm lắc đầu thán phục: “Đúng là người ở cũng không làm xuể bấy nhiêu việc”.
Khoảng 18 năm trước, chị Tiên là công nhân nhà máy gốm ở Hải Dương. Chồng chị làm tài xế cùng xí nghiệp. Hai vợ chồng lương ba cọc ba đồng, gắng nuôi ba con ăn học. Đùng một cái, anh mắc bệnh hiểm nghèo rồi nằm liệt nửa năm, qua đời. Người ta đồn anh là lái xe nên quan hệ bừa bãi, mắc bệnh AIDS. Họ hàng, hàng xóm xa lánh mấy mẹ con.
Chị gồng mình nuôi con trai lớn 12 tuổi, hai con gái đứa lên tám, đứa lên ba. Chị đi xét nghiệm thấy mình không bị gì, nhưng chẳng mấy người tin, mà chị cũng chẳng có thì giờ đi giải thích cho mọi người. “Phải vượt lên số phận các con ạ. Mấy anh em nhất định phải học. Học được tới đâu mẹ nuôi tới đó”.
Để các con tránh bị mặc cảm với bạn bè, chị quyết định đưa tất cả vào Tây Nguyên, ở nhờ một người bà con. Lúc đầu chị đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, cốt có tiền nuôi con ăn học. Sau chị dồn tiền, thử tiếp tục nghề bật bông, may nệm của cha. Mấy mẹ con sống được, chỉ hơi vất vả vì phải đi vào các buôn làng bà con dân tộc thiểu số để làm hàng.
Với chiếc xe máy cũ, chị rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh Đăk Lăk. Ba đứa con được mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Cô con gái thứ hai học xong đại học, có việc làm ổn định và xây dựng gia đình. Cô út đang học đại học năm cuối ở TP.HCM. Cậu cả học xong lớp 12, đi nghĩa vụ quân sự hai năm xong, về tiếp nghề nệm bông và sinh một lèo hai lần ba đứa con
Chưa già, nhưng chị Tiên xác định nghỉ việc để các con làm. Bao năm góa bụa, chị hy sinh nhiều ý thích bản thân để lo cho con. Giờ con trưởng thành, chị chấp nhận làm “người ở” cho con. Chị Tiên tâm sự, mệt mà vui, con cháu khỏe mạnh, tiến bộ thì mình thấy hết mệt. Làm việc như “rô bốt” suốt ngày đêm, chị Tiên còn để ý giáo dục, dạy chữ cho cháu nội, khuyên bảo các cháu ngoan ngoãn với cha mẹ, người lớn. Đêm, chị thường kể chuyện về cánh đồng, con sông, cây cau, cây nhãn ngoài quê nội cho các cháu nghe, “để chúng nó đừng mất gốc”.
Mẹ con bà cháu chị vừa làm một chuyến về Bắc thăm quê hương, họ hàng. Nhiều người ngỡ ngàng khi thấy chị trở về. Sự trưởng thành của các con là niềm hãnh diện của người đàn bà góa bụi. Ai hỏi thăm giờ làm gì, chị cười tươi, nói làm “người ở”. Một người ở tình nguyện làm điểm tựa cho gia đình suốt đời.
Nguồn: Theo Phụ Nữ Online
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.