Mẹ là cô giáo…

Mẹ sắp về hưu, có lẽ đó là lý do khiến dạo này mẹ hay trầm ngâm, buồn bã. Thằng Tít có lần cầm tay mẹ lắc lắc: “Mẹ buồn vì sau này không được các cô chú tặng quà ngày 20/11 nữa hả?” Mẹ cười xòa, xoa xoa đầu nó không đáp. Tít còn nhỏ xíu, nên những lớp học sinh cũ của mẹ nó đã phải gọi là cô, là chú rồi. Cũng vì còn bé nên mọi năm, cứ 20/11 là nó hí ha hí hửng, vì quà học sinh tặng mẹ toàn là quần áo, giày, rồi cả sách, truyện mới tinh cho nó. Mẹ có tiền lệ không bao giờ nhận quà cáp, nên nó được “hưởng lợi” như thế. Giờ, nó ngây ngô nghĩ rằng nếu mẹ không làm cô giáo nữa thì sẽ không còn ai mua quà mẹ, mà thế thì mẹ buồn (đúng hơn là nó buồn).

Thằng Tít là “út ít” của mẹ. Từ hồi bé xíu đến giờ nó cũng chỉ biết có mẹ với mấy anh em, chứ chưa được gọi bố bao giờ. Nó không biết bố là ai cả, và cũng chẳng quan tâm vì ở nhà nó đông vui lắm! Có mẹ này, có anh Tú, chị Mai, chị Thủy, anh Vỹ với anh Be hơn nó đúng 1 tuổi. 6 anh em nó, mỗi đứa một họ vì không đứa nào cùng cha, đứa mồ côi từ bé, đứa lang thang, đứa ốm bệnh bị bỏ rơi trong viện,… Rồi tất cả được mẹ đón về nhà, có đứa từ khi còn đỏ hỏn.

Giờ anh Tú đã ngoài hai mươi, đang đi làm ở tận thành phố; còn lại 5 đứa ở nhà “lít nha lít nhít” trạc tuổi nhau. Thế nên giờ sắp nghỉ hưu, mẹ thấy lo toan nhiều vì khó mà chăm lo nổi cho chúng – những đứa con đang tuổi học tuổi ăn. Thực ra, điều mẹ ái ngại nhất là sức khỏe độ này bắt đầu yếu đi, đêm đêm ngồi soạn bài, mẹ phải dừng tay liên tục để bóp hai vai mỏi nhừ, ê buốt. Chẳng như trước đây, ngày đi dạy, tối về mẹ chấm điểm, soạn bài đến khuya rồi chợp mắt vài ba tiếng, xong trở dậy từ 2 – 3 giờ sáng để đi chở hàng thuê. Chiếc xe “Cup” cũ kĩ của mẹ bao năm rồi vừa là phương tiện để đi dạy mỗi ngày, vừa giúp mẹ kiếm thêm tiền mỗi đêm bằng việc chở rau củ, đồ hàng cho những người trong chợ. Nhờ thế mà mẹ mới đủ tiền lo cho anh em thằng Tít. Chứ không, chỉ riêng tiền ăn, tiền học, rồi chẳng biết bao lần đứa này nối tiếp đứa kia đi viện vì ốm đau, chẳng biết mẹ sẽ “đào” đâu ra tiền được. Chỉ trông vào đồng lương nhà giáo của mẹ thì thấm vào đâu.

Ấy thế mà mẹ vẫn cần mẫn với công việc ấy. Mẹ bảo trên đời này có 2 điều ý nghĩa nhất với mẹ – là mỗi ngày được đứng trên bục giảng, và nhìn anh em thằng Tít dần lớn lên. Cũng phải, bố mất khi mẹ chưa kịp sinh đứa con nào, từ đó đến giờ, cuộc sống của mẹ chỉ quanh quẩn với viên phấn và lũ trẻ. Nhớ có lần chị Thủy hỏi: “Sao mẹ không lấy chồng?” mẹ chẳng trả lời, cốc đầu chị một cái rõ đau. Sau, chẳng đứa nào hỏi nữa vì chúng biết, nếu mẹ định “đi bước nữa” chắc mẹ đã chẳng ở vậy đến tận bây giờ để nuôi tụi nó.

Lần đầu tiên nó không “trông đợi” quà vào ngày này nữa, nó lớn rồi, nó muốn tặng quà cho mẹ. Món quà tuy nhỏ nhưng chắc mẹ sẽ vui vì thấy nó biết suy nghĩ hơn, rồi mẹ sẽ nhanh khỏi bệnh. Mẹ vui, anh em nó cũng sẽ vui…


Cũng vì yêu nghề nên những buổi không có tiết dạy ở trường, học trò của mẹ lại kéo đến đông cả nhà. Mẹ vừa tất bật việc nhà vừa lo kèm cặp thêm – trò nào kém thì học phụ đạo, trò nào “cứng” rồi thì học nâng cao. Bao nhiêu năm rồi, mẹ chẳng khi nào nhận 1 xu của phụ huynh, “thù lao” của mẹ là sau mỗi kì thi đại học, những trò được mẹ kèm cặp hớn hở khoe: “Môn Hóa con được điểm cao nhất!”, lúc ấy, mẹ cười tươi rói mà mắt long lanh. Cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, học trò của mẹ nhiều người thành đạt, có người vẫn lận đận, long đong với cuộc sống, thế nhưng ít nhất năm một lần, họ về với mẹ như thể những đứa con.

Có những người, khi đã thành đạt rồi, mỗi lần về thường “dúi” cho mẹ khoản tiền chắc nhiều bằng cả tháng lương của mẹ, nhưng tất nhiên chẳng khi nào mẹ nhận rồi. Bởi vậy nên thằng Tít mới mong ngóng đến ngày Nhà giáo vì với nó, quà còn nhiều hơn cả ngày sinh nhật. Sách và truyện của nó với mấy anh chị em, nếu mẹ không chia bớt cho tụi trẻ con nghèo khác, chắc đã được cả tủ rồi. Mẹ là thế, vất vả như vậy, lo toan nhiều thế, nhưng chưa bao giờ thấy trên gương mặt mẹ thoáng chút cau mày. Có người bảo, nhìn thần thái của mẹ chẳng giống một người tất bật chút nào, khi luôn mỉm cười và bình tĩnh trước bao nhiêu biến cố. Nhưng những vất vả của mẹ, khó ai mà thấm được…

Đó là lần anh Vỹ ngã gãy tay, chị Mai mổ ruột thừa, hay có những lúc 2 – 3 đứa “rủ” nhau nằm viện vì sốt virus. Mẹ vẫn cáng đáng ngần ấy công việc: vẫn đi dạy, vẫn chở hàng vào sáng sớm sau những đêm thức trắng trông con. Tóc mẹ bạc đi trông thấy, và quanh mắt nổi những quầng thâm. Dẫu vậy, mẹ vẫn tỏ ra bình thản đến kì lạ. Vậy nên ở bên mẹ, chưa đứa con nào cảm thấy “chống chếnh”, bơ vơ. Giống như một bức tường vững chãi để anh em chúng nó dựa vào; chỉ cần nhìn khuôn mặt phúc hậu luôn mỉm cười ấy, dù có chuyện gì chúng vẫn thấy bình tâm.

Chỉ duy nhất một lần, những nếp nhăn trên trán mẹ dày thêm. Đó là khi anh Tú đi học trên thành phố rồi sa vào nghiện ngập. Đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo và hiểu chuyện nhất mà mẹ luôn tin tưởng, mới xa mẹ ít ngày đã trở nên như thế, ruột mẹ thắt lại, nhói đau. Những đêm thức trắng khiến mắt mẹ khô khốc và mờ đi, nhưng mẹ không khóc. Mẹ đưa anh về nhà, cắn răng nhìn anh bị hành hạ trong những cơn nghiện dày vò, và gồng mình cũng anh vượt qua những ngày tháng đau khổ đó.

Trên lớp, học trò vẫn thấy mẹ cười, ít ai biết được lòng mẹ đau đến nhường nào. Thế rồi, nhờ tình thương của mẹ mà anh tỉnh lại, rồi tiếp tục học hành. Mẹ lại “nai lưng” làm quần quật để có tiền lo cho anh và mấy đứa em. Giờ anh ra trường và có công việc đàng hoàng rồi, mẹ vui hơn nhiều lắm. Tiền anh gửi hàng tháng, mẹ bảo: “Để dành sau này cưới vợ, rồi còn lo cho gia đình, con cái… Mẹ còn đủ sức nuôi các em”. Mẹ nói vậy, chứ trước những ngày phải rời xa ngôi trường từng gắn bó, lòng mẹ không chỉ đượm buồn. Mẹ còn lo nỗi lo về những đứa con nhỏ, thằng Tít mới chuẩn bị đi học, thằng Be vào lớp 1, chị Thủy, chị Mai thì học cấp 2, anh Vỹ lớn hơn thì quanh năm ốm yếu. Giờ ngoài chợ, người ta cũng chẳng mấy khi cần chở hàng bằng chiếc xe cũ nát nữa, mà mẹ cũng yếu lắm rồi, chẳng biết sẽ ra sao…
 
Mấy hôm nay mẹ ốm sốt liên miên. Chưa bao giờ bọn trẻ thấy mẹ nằm liệt giường như thế. Bao năm qua mẹ gồng mình lên để nuôi chúng, chưa cho phép bản thân được “quyền” ốm đau một ngày. Giờ, mẹ bệnh, tụi trẻ mắt đỏ hoe. Không thấy khuôn mặt phúc hậu rạng rỡ nụ cười, chúng nó như người mất luôn phương hướng. Thằng Tít ngồi cạnh mẹ, đưa bàn tay gầy gò, đen thui lên xoa xoa trán mẹ, nó mấp máy như sắp khóc: “Mẹ đừng ốm, mẹ khỏi nhanh lên nhé! Sắp đến ngày Nhà giáo rồi, con không thích quà nữa đâu…” Nói rồi, nó nhào ra góc bàn học chật chội, lục lọi trong đống sách vở cũ 1 con lợn đất và đập mạnh xuống sàn. Nó gom những đồng tiền lẻ cẩn thận và phẳng phiu, phải rồi, nó sẽ mua quà cho mẹ, nó sẽ mua cho mẹ thật nhiều hoa, hoa hồng màu đỏ…


Thiên An


Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.