Con mới sinh ra được mấy ngày, bà nội đã tư vấn cho mẹ rằng cần phải cho con uống mật ong với chanh để con sạch miệng, sau này không bị rơ lưỡi. Bà đã làm sẵn cho con một lọ chanh ngâm mật ong từ lúc con còn ở trong bụng mẹ. Nghe bà nói vậy, mẹ mặc dù còn rất mệt sau ca vượt cạn nhưng vẫn phải cố gắng giải thích cho bà rằng, từ lúc cháu ra đời cho đến 1 tuổi tuyệt đối không được uống mật ong, vì hệ tiêu hóa của cháu chưa hoàn chỉnh, mật ong có thể gây ngộ độc. Mặc dù có chút “không vừa lòng” vì lọ chanh – mật ong bà cất công ngâm cho cháu chưa có dịp sử dụng, nhưng cuối cùng bà cũng gật đầu đồng ý trước những lý lẽ, những lời giải thích dựa vào khoa học của mẹ. Nhưng từ đó, mẹ cũng biết rằng, “cuộc chiến” với các hủ tục để bảo vệ con đã bắt đầu…
Hủ tục – thiên hình vạn trạng
Trước đây, các bà, các mẹ chăm trẻ con chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền tai nhau. Người ta thấy đúng với đa số trẻ khác thì áp dụng cho con mình mà không có một sự lý giải nào. Điều này bắt nguồn từ chỗ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, đời sống còn lạc hậu. Nhưng ngày nay, những kinh nghiệm đó dù có đúng hay sai thì đa phần đều đã được thay thế bằng các phương pháp khoa học. Tuy nhiên, các con có được hưởng sự chăm sóc khoa học hay không thì người đóng vai trò quyết định chính là mẹ. Vì thế, việc mẹ cự tuyệt với các hủ tục không chỉ tốt cho con mà cũng chính là một cách góp phần làm cho xã hội văn minh, tiến bộ.
Thật khó để điểm danh hết các hủ tục về chăm sóc trẻ con, bởi lẽ nó có muôn hình vạn trạng và không chỉ hiện diện ở những vùng quê lạc hậu, mà ngay cả ở cả các thành phố lớn cũng vậy. Hàng năm, mỗi khi mùa đông đến, báo chí lại đưa tin không ít vụ bỏng than hoặc ngạt khí do sưởi than, trong đó, có nhiều em bé không qua khỏi khiến người đọc hết sức đau lòng. Tuy nhiên, kì lạ là hủ tục dùng than để sưởi ấm, xông, hơ cho sản phụ và em bé vẫn không vì thế mà bị đẩy lùi.
“Cuộc chiến” với những hủ tục không hề đơn giản. (Ảnh minh họa theo parents)
Dạo qua một vài diễn đàn online dành cho mẹ và bé, có thể thấy các mẹ vẫn thường chia sẻ cho nhau nhiều bí quyết chăm sóc con theo kinh nghiệm dân gian, ví dụ như việc dùng nước lá rau ngót thấm vào vải màn để đánh tưa lưỡi hay dùng lá hẹ xát vào lợi để con mọc răng không bị sốt. Ở đây, dù chưa bàn đến đúng hay sai thì có một điều mà hẳn ai cũng phải thừa nhận, đó là các loại lá đó tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Không có gì đảm bảo rằng quy trình chế biến của mẹ đã làm cho các loại lá đó vô trùng và không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch còn non nớt của con. Thậm chí, thời nay vẫn còn nhiều nhà dùng mật lợn đắp lên rốn cho bé để rốn nhanh rụng hoặc dùng nước chanh nhỏ vào mắt bé để mong bé có đôi mắt sáng,… Ngay cả việc tắm lá cho trẻ sơ sinh cũng vậy, dù lá có được rửa sạch, đun sôi thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc hóa chất, thuốc trừ sâu, rất không an toàn cho bé.
Hủ tục – ở khắp mọi nơi
Vừa rồi, con bỗng nhiên bị ngứa, nổi một vài cái mụn nước ở tay. Các mẹ trong xóm ai nhìn thấy cũng cầm nắm, lật đi lật lại tay con để xem xét. Rồi người này thì bảo bị mề đay, người kia bảo bị dị ứng, họ mách ra chợ mua lá này lá nọ về tắm, xát vào da cho con. Bà lên chơi thương cháu nên mỗi khi ăn trầu lại lấy nước trầu không bôi vào. Bà bảo, ngày xưa bố nó cũng bị thế, bà bôi nước trầu không là khỏi hết. Mẹ xót con nhưng không nói lời nào, chỉ lẳng lặng đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ bảo rằng con bị chốc, là bệnh phổ biến của trẻ con. Bác sĩ kê thuốc mỡ kháng sinh để bôi, thuốc uống giảm ngứa và nước muối để vệ sinh da. Con điều trị chưa đến một tuần là dứt hẳn, mẹ thở phào. Thế mới biết, những phương pháp chăm con được gọi là hủ tục vẫn luôn luôn ở xung quanh con và lan truyền bất cứ lúc nào. Nếu mẹ không tỉnh táo để nhận diện thì rất có thể bé con của mẹ sẽ trở thành nạn nhân. Có thể, xác suất đúng vẫn xảy ra, nhưng không có nghĩa là những lần sau vẫn đúng và đúng với mọi trường hợp. Nguy hại hơn, nếu mẹ là một trong những người tuyên truyền cho người khác áp dụng, khi xác suất đúng không đến với con họ, thì mẹ vô tình làm một điều sai trái, đáng tiếc và hậu quả rất khó lường.
Những hủ tục đôi khi thường đến từ phía mẹ chồng. Và để vượt qua nó, cần một sự khéo léo và cương quyết. (Ảnh minh họa theo health)
Ứng phó với hủ tục chăm con như thế nào?
Việc nhận diện các hủ tục về chăm sóc trẻ không khó. Tuy nhiên, ứng phó như thế nào lại là vấn đề quan trọng. Trước hết, mẹ phải có kiến thức chăm con và niềm tin vào khoa học. Để làm được điều này, mẹ cần được trang bị kiến thức ngay từ lúc con chưa chào đời. Hiện nay, các lớp học tiền sản, ăn dặm, chăm sóc con theo phương pháp khoa học,…được mở thường xuyên, cũng có nhiều lớp học miễn phí. Đây là cơ hội tốt cho các mẹ trong việc học hỏi cách nuôi dưỡng, chăm sóc con. Mẹ cũng đừng vì bận rộn quá mà quên mất cả đọc sách báo để tìm hiểu thêm. Việc tham gia các nhóm hội trên mạng cũng là một kênh rất thú vị để mẹ học hỏi, lựa chọn. Khi đã trang bị được những kiến thức cần thiết rồi, mẹ nhất định phải tin vào bản thân và cương quyết lẫn khéo léo trong cách ứng xử. Nếu không có niềm tin, mẹ sẽ dễ xao động, bối rối mà nghe theo lời chỉ bảo của người khác, dễ sa vào các hủ tục.
Nhiều mẹ vì thiếu sự cương quyết mà không dám xử lý tình huống của bản thân. Nên mặc dù đã học qua mấy lớp tiền sản nhưng đến lúc về quê sinh con vẫn hong than, tắm lá cho con, vì “đó là phương pháp chăm sóc con truyền thống của các bà, các mẹ ở quê, mình biết không nên nhưng cũng chẳng dám phản đối vì sợ mọi người tự ái”. Thế nhưng, chỉ cần mẹ đó khéo léo hơn, và quyết đoán hơn thì đã có thể tránh được cảm giác không nên mà vẫn phải cố.
Có thể nói rằng, việc chối bỏ các hủ tục để bảo vệ, chăm sóc con của mẹ cũng giống như một cuộc chiến với những gì đã lạc hậu vẫn còn tồn tại dai dẳng trong quan niệm về chăm sóc trẻ con. Trong cuộc chiến này, mẹ phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí trải qua cả những sự vất vả, căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, hãy cứ nghĩ đến niềm hạnh phúc khi chứng kiến con yêu lớn lên an toàn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn để có thêm động lực vượt qua, mẹ nhé!
Tuyết Nhung
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.