Mẹo “độc” giúp con nhanh biết nói

Trong giờ nghỉ trưa hôm nay, nhân lúc “buôn” chuyện về con cái, thấy chị đồng nghiệp kêu cô con gái út 19 tháng mà chưa biết nói làm tôi nhớ đến bé Cà Rốt hồi nhỏ. Hồi ấy, con được 18 tháng, trộm vía con ngoan, bụ bẫm, cái gì cũng biết, bố mẹ sai những chuyện đơn giản gì là làm được hết. Thế nhưng, con rất chậm nói, gần 2 tuổi mà chỉ nói được từ “bà” là sõi nhất, thêm vài từ như: ba, ma, òa.

Vợ chồng tôi rất lo lắng không biết Cà Rốt có vấn đề gì về não bộ không. Nhưng sau khi hỏi han bác sĩ, hóa ra nguyên nhân khiếncon chậm nói 1 phần chính là tại… bố mẹ. Những thói quen không tốt của 2 vợ chồng, chẳng hạn như ít giao tiếp và “ôm” máy tính cả ngày 1 phần ảnh hưởng đến khả năng học nói của con. Cũng từ đó, nếp sống gia đình tôi dần dần có một số thay đổi. Và có lẽ một phần nhờ sự thay đổi đó, một phần là đúc rút kinh nghiệm mà sau này Đậu Đỏ – bé trai thứ 2 của vợ chồng tôi mới 12 tháng đã có thể nói sõi được rất nhiều từ. Tôi biết không chỉ tôi hay chị đồng nghiệp mà còn có rất nhiều mẹ khác rất lo lắng vì con mãi chẳng biết nói. Thế nên, tôi xin chia sẻ ra đây một số mẹo để con nhanh biết nói, hi vọng các mẹ thấy hữu ích.

Nói nhiều và nói chuẩn

Với trẻ bắt đầu tập nói, môi trường xung quanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo lập phản xạ nói. Rút kinh nghiệm từ lần dạy nói cho Cà Rốt, tôi và chồng không ôm khư khư máy tính mỗi khi ở nhà mà nói chuyện với con nhiều hơn, để bé làm quen và tiếp xúc với ngôn ngữ. Ngoài ra, cuối tuần, tôi cũng cố gắng sắp xếp cho con ra ngoài nhiều hơn, đặc biệt là những nơi công cộng như vườn thú, viện bảo tàng… Điều này sẽ giúp bé mạnh dạn hơn khi giao tiếp với người khác.

Hãy giao tiếp với bé nhiều hơn bố mẹ nhé! (Ảnh minh họa theo Honey)

Không chỉ muốn con nói được nhanh, được nhiều mà tôi còn muốn con nói chuẩn. Bởi vậy, gia đình tôi rất hạn chế việc cố tình nhái giọng trẻ con nói ngọng khi nói chuyện với bé. Trước mặt Đậu Đỏ, cả nhà tôi đều cố gắng nói thật chuẩn để bé nghe quen và bắt chước theo. Về mặt này, anh Cà Rốt cũng rất tích cực cùng bố mẹ luyện cho em có giọng nói chuẩn.

“Hôm nay ai đã cho con kẹo?”

Để kích thích con nói, tôi thường chủ động kể cho bé nghe những câu chuyện xảy ra trong ngày trước khi cho con đi ngủ. Có thể lúc này con chưa hiểu mẹ đang nói gì nhưng nghe những câu chuyện thường ngày đơn giản như thế sẽ giúp bé liên kết từ ngữ với những hình ảnh tái hiện trong đầu.

Không chỉ kể chuyện, tôi còn cố gắng đặt ra nhiều câu hỏi để con nhớ lại diễn biến sự kiện đã xảy ra, vừa là để con học cách hình dung, vừa kích thích con nói. Ví dụ, khi ban ngày đưa con đi công viên chơi, tối về tôi sẽ hỏi con xem là hôm nay ai đã cho con kẹo, hoặc con thích chơi trò gì nhất…

“Đây là con gì?”

Bên cạnh việc kể chuyện, tôi còn cho con tập nói thông qua tranh ảnh và đồ vật. Có thể bé đã quen với rất nhiều đồ vật hoặc con vật xung quanh mình nhưng chưa biết gọi chúng bằng từ ngữ nào. Đây chính là lúc các mẹ kết hợp dạy con nói và nhận biết đồ vật. Đầu tiên, tôi thường chỉ cho Đậu Đỏ thấy những đồ vật xung quanh và nhắc lại nhiều lần tên đồ vật đó để tạo tín hiệu nhận biết cho con.

Khuyến khích bé khám phá xung quanh để con có thể kết nối sự vật với ngôn ngữ.
(Ảnh minh họa theo nest)

Khi con đã biết hết tên gọi của các đồ vật trong nhà, chồng tôi mua thêm những bộ đồi chơi cây cối, con vật để giúp con tập nói và nhận biết. Ông nội thấy cháu học nhanh thì mua rất nhiều truyện cổ tích có tranh minh họa sinh động để đọc cho Đậu Đỏ nghe. Hàng ngày, tôi cũng dùng giọng đọc chuẩn và truyền cảm nhất có thể để đọc, vừa đọc vừa chỉ vào tranh để con dễ hình dung ra câu chuyện và biết cách dùng từ ngữ cho những câu chuyện đó.

“Alo! Đậu Đỏ đây!”

Mỗi khi nghe điện thoại từ người thân, tôi sẽ cho con nghe ké và dạy con nói: “Alo! Đậu Đỏ đây!” rồi sẽ hỏi con xem có biết ai đang nói chuyện không. Điều này sẽ giúp con bé nhận biết giọng nói và tập phản xạ trả lời khi không được trực tiếp nhìn thấy người ở đầu dây bên kia.

Ngoài ra, tôi thường dùng điện thoại để quay lại hình ảnh của con. Khi quay phim, tôi sẽ hướng sự chú ý của Đậu Đỏ vào máy quay và hỏi chuyện con, khuyến khích con nói. Sau đó, tôi cho con xem lại ngay những gì mẹ vừa quay. Bé tỏ ra rất thích thú khi nhìn thấy hình ảnh và nghe giọng nói của chính mình. Tôi còn nhớ lần đầu tiên cho con xem video, con vừa chỉ vào màn hình vừa reo lên: “Đậu Đỏ! Đậu Đỏ!”.

Tập cho con biết nói là cả một quá trình cần sự kiên nhẫn và tham gia của mọi thành viên trong gia đình nhằm tạo cho bé một môi trường tốt cho những bước giao tiếp đầu tiên. Hi vọng những mẹo trên đây sẽ hữu ích cho các mẹ trong việc luyện nói cho con.

Hồng Gấm

 

 Xem thêm bài viết hay dành cho mẹ:
Này bố mẹ, hay ho gì “lôi” nhau lên mạng xã hội mà cãi nhau!
Chết cười với “tuyệt chiêu” cai sữa của mẹ
“Nuôi con sẽ thấy, đời không là mơ…”

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.