Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự “hiếu động” của bé trong những tháng cuối của thai kỳ với việc cử động và thay đổi vị trí thường xuyên có thể khiến dây rốn bị cuộn lại quấn quanh người, thường gặp là quanh cổ. Hiện tượng này gặp khá phổ biến nhưng đa phần là không nguy hiểm nếu được theo dõi và can thiệp kịp thời trong quá trình mang thai và sinh nở. Tuy nhiên cũng có một tỷ lệ nhỏ các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi nên thai phụ cần biết nên làm gì để có thể yên tâm hơn về vấn đề này.
Trong quá trình hoạt động liên tục em bé có thể vô tình quấn dây rốn quanh cổ mình.
Phát hiện sớm tràng hoa quấn cổ bằng cách nào?
Siêu âm thai nhi là cách chính xác nhất để nhận biết vấn đề này. Khi siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện dễ dàng tràng hoa quấn cổ. Nếu thấy phía sau cổ bé có vết đè hình chữ V là bị quấn 1 vòng, hình chữ W là bị quấn 2 vòng…
Mặc dù có một số ít trường hợp phát hiện tràng hoa quấn cổ từ tháng thứ 5–6 của thai kỳ nhưng 3 tháng cuối thai kỳ mới là giai đoạn thường gặp nhất. Vì vậy, theo dõi hiện tượng thai máy từ tuần thứ 30 trở đi có thể giúp mẹ bầu nghi ngờ và đề nghị kiểm tra kỹ hơn lúc siêu âm. Tràng hoa quấn cổ có thể làm cho thai nhi đạp nhiều bất thường (giãy dụa) hoặc yếu bất thường do thiếu ôxy, do bé tự tìm cách tháo gỡ hoặc đơn giản là muốn cảnh báo nguy cơ cho mẹ biết.
Tràng hoa quấn cổ – mẹ bầu nên giữ tâm lý tốt:
Bởi vì tràng hoa quấn cổ hầu hết đều không gây nguy hiểm cho thai nhi và mẹ bầu có thể sinh thường. Ngoài việc tránh cảm giác lo lắng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé thì thai phụ cần tránh tâm lý chủ quan theo lời đồn đại trong dân gian. Quan niệm dân gian cho rằng tràng hoa quấn cổ là dấu hiệu sẽ sinh con thông minh là không có cơ sở khoa học. Để đảm bảo tránh tối đa biến cố dù nhỏ nhất, mẹ bầu cần đảm bảo chế độ ăn uống, vận động và sinh hoạt điều độ trong suốt thai kỳ và lưu ý nhiều hơn đến những dấu hiệu cử động của thai nhi để yêu cầu can thiệp y tế kịp thời.
Mẹo dân gian để bé tự tháo tràng hoa quấn cổ, nên áp dụng cách nào?
Theo quan điểm của y học hiện đại thì chưa có cách nào can thiệp bên ngoài để khắc phục hiện tượng tràng hoa quấn cổ mà chỉ hy vọng vào khả năng thai nhi vận động nhiều hơn có thể tự “gỡ rối”. Vì có một xác suất cao thai nhi sẽ tự biết cách tháo các vòng dây rốn quấn quanh cổ và vấn đề này hầu hết trường hợp đều không nguy hiểm nên thai phụ có thể không cần có tác động nào từ bên ngoài mà chỉ cần tạo tâm lý thoải mái, bồi dưỡng và rèn luyện sức khỏe cho tốt.
Kinh nghiệm dân gian dùng tay xoa bụng bầu là không nên thực hiện vì xoa bụng bầu vô tội vạ là việc làm phản khoa học. Việc xoa bụng bầu là không nên vì có thể khiến những cơn co tử cung nhiều hơn, đặc biệt ở hai tháng cuối và thúc đẩy dọa sinh sớm. Việc bị tràng hoa quấn cổ chỉ gây khó khăn cho việc sinh thường em bé, thông thường khi siêu âm thấy em bé có dây rốn quấn các bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ cho bà bầu để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Một mẹo vặt khác khá phổ biến trong dân gian là mẹ bầu bò quanh giường ngược chiều kim đồng hồ thì sẽ gỡ được tràng hoa cho con. Mặc dù khoa học hiện nay chưa chứng minh được hiệu quả của cách làm này, thực tế có nhiều thai phụ cho rằng làm như vậy là có hiệu quả. Nguyên nhân có thể là do vận động như vậy có thể khiến thai nhi có cử động xoay người để tự tháo xoắn. Buổi tối trước khi đi ngủ, thai phụ có thể thực hiện cách này với giới hạn một vài vòng để vừa có thêm niềm tin, lại giúp dễ vào giấc ngủ hơn, tránh thực hiện quá nhiều gây chóng mặt và ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Phương pháp sinh thích hợp
Nhiều người nghĩ sinh mổ là giải pháp hợp lý nhất cho hiện tượng này. Tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy. Sinh mổ nhiều khi sẽ mang tới những nguy cơ cho cả mẹ lẫn con.
Thông thường, khi nhận thấy thai nhi vẫn khỏe mạnh và vòng quấn quanh cổ ít, bác sĩ sẽ vẫn chỉ định sinh thường. Và hầu hết các trường hợp này trẻ đều khỏe mạnh.
Tuy nhiên, một điều thai phụ cần chú ý là nên đến bệnh viện, nơi được trang bị cơ sở vật chất tốt cũng như bác sĩ có tay nghề, thay vì đến các cơ sở nhỏ, thiếu trang thiết bị cần thiết, đề phòng khi có những biến cố không mong muốn, bác sĩ sẽ kịp thời can thiệp.
Đa số các trường hợp trẻ bị tràng hoa quấn cổ vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, với những trẻ bị dây rốn quấn quá chặt gây thiếu ô xi, thiếu máu, trong quá trình nuôi nấng, cần quan tâm hơn đến sức khỏe của bé. Khi có những dấu hiệu bất thường như tim đập mạnh, chân tay run thì nên đưa bé đi gặp bác sĩ.
Trong khi mang thai, thai phụ cần chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp, sinh hoạt điều độ. Ngoài ra cần chăm sóc thai trước sinh thích hợp với những không gian không quá ồn ào và bản nhạc không quá mạnh nhằm tránh kích thích thai nhi, giảm khả năng bị tràng hoa quấn cổ.
(Theo CNGD)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.