Những ngày Tết đang đến gần đồng nghĩa với việc dâu trưởng, con dâu duy nhất như tôi đang gồng mình với những khoản chi tiêu lớn, gồng mình trong việc đối nội đối ngoại sao cho đẹp lòng gia đình dòng họ. Thực lòng tôi thấy mệt mỏi lắm nhưng chẳng hiểu mẹ chồng tôi không biết hay cố tình lờ đi mà ngày càng tạo cho tôi quá nhiều áp lực như vậy. Từ khi về làm dâu đến giờ, Tết năm nào tôi cũng lo từ A-Z cho gia đình nhà chồng. Từ việc mua bán đồ ăn thức uống đến vật dụng trang trí, còn thêm tiền mừng tuổi cho bố mẹ chồng, các em, các cháu đường chồng. Với mức như mọi năm, mừng tuổi ông bà mỗi người một triệu, hai em gái mỗi người năm trăm cộng với 7-8 triệu mua sắm cho ngày Tết thì vợ chồng tôi có thể đảm đương được. Phần vì trách nhiệm, phần vì công việc của hai vợ chồng tôi cũng ổn định, thu nhập không cao nhưng cũng tạm được nên tôi chẳng nề hà những khoản chi tiêu như vậy.
Giống như mọi năm, năm nay dù chưa được nghỉ nhưng vào những ngày nghỉ tôi đã tranh thủ chợ búa, mua sắm được đồ khô cho gia đình, định bụng giáp Tết mới mua đồ trang trí và hoa quả. Sau khi về quê sẽ mừng tuổi mọi người sau. Nhưng hôm tuần trước, mẹ chồng tôi có gọi điện nhắc khéo chuyện lễ Tết, tôi cũng thưa việc mình đã mua sắm được những gì thì mẹ thẳng thừng hỏi luôn “năm nay vợ chồng con được thưởng Tết mấy chục (triệu)”. Tôi hơi ngạc nhiên vì mẹ chưa bao giờ hỏi chuyện tế nhị đó, hơn nữa, dù thưởng bao nhiêu thì tôi cũng lo toan mọi việc hết. Tôi vẫn trả lời “con chưa biết được, bọn con còn phải làm thêm một tuần nữa mới nghỉ”. Thì mẹ nói “thế à, sao mẹ thấy con bà N có tiền thưởng gửi về biếu rồi nhỉ”. Đến đó tôi mới hiểu, như mọi năm trời không rét mướt, khắc nghiệt vợ chồng tôi kiểu gì cũng tranh thủ về sớm, biếu tiền các cụ trước 20 tháng Chạp. Dù hơi buồn cười về cách gợi ý, nhắc khéo của mẹ chồng nhưng tôi vẫn phải bình tĩnh đáp lại “vâng để mai con chuyển tiền qua thẻ cô T (em chồng) để cô ấy rút biếu bố mẹ ạ”. Thì mẹ tôi mừng, cười ra mặt bảo năm nay chi tiêu đắt đỏ, giá cả đều tăng liệu làm thế nào cho phù hợp, đừng lãng phí cũng đừng tiết kiệm quá. Ngay sáng hôm sau, tôi như thường lệ vẫn chuyển 3 triệu về cho mẹ, dặn em chồng biếu ông bà mỗi người 1 triệu, 2 cô mỗi người 500 ngàn. Lập tức, tối hôm đó, mẹ chồng gọi điện lên nói với tôi giọng đầy khi dỗi, nói tôi hà tiện “Thôi con ạ, không có tiền thì thôi chứ cho với biếu như thế thì làm việc gì được. Bố mẹ già thì không nói nhưng 2 em với 500 ngàn mua được cái gì?”. Tôi cứng họng chẳng biết nói sao, bởi bản thân tôi đã mua sắm quần áo, giày dép cho các em chồng rồi, tiền gửi thêm để các cô ấy tiêu hay dùng việc gì thì tùy. Sao lại nói tôi như vậy, cứ như trách nhiệm lo tất tật phải là của tôi ấy. Tôi cảm thấy nặng nề và thất vọng lắm, vẫn cố trấn tĩnh hỏi mẹ “con không hiểu ý mẹ lắm ạ”. Thì mẹ nổi đóa lên, chửi tôi có ăn học mà chậm hiểu mẹ nói rành rọt như vắt chanh từng chữ cho tôi nghe “bây giờ ý, 500 ngàn và 1 triệu không mua nổi thứ gì đâu. Đừng nghĩ chúng tôi ở quê mà cho như bố thí”. Tôi đã hiểu hoàn toàn ý mẹ, chính là chê tôi cho, biếu quá ít. Tôi nói sẽ bàn lại với chồng và thưa với mẹ sau, mẹ cúp máy mà chẳng để tôi chào một câu. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì kiểu vòi vĩnh như vậy. Vợ chồng tôi tuy có lương nhưng còn bao nhiêu khoản chi tiêu, mua sắm. Những tháng khác cũng gửi biếu ông bà 2 triệu mỗi tháng rồi, tết nhất tôi còn mua sắm cho gia đình chứ có thảnh thơi, rảnh rang như ngày thường đâu mà tiền nong dư giả. Nếu bố mẹ tôi cũng yêu cầu Tết phải thế nọ thế kia thì chẳng hóa ra gánh nặng của vợ chồng tôi quá lớn sao. Tôi đợi chồng về để nói chuyện, năm này còn năm khác, chứ mỗi năm tiền tết biếu bố mẹ, các em một tăng trong khi lương chúng tôi có hạn, con cái chúng tôi lớn phải chi tiêu nhiều thì lấy đâu ra. Nhưng chẳng cần để tôi phải nói, mẹ chồng tôi đã gọi điện nói trước rằng tôi hẹp hỏi, gửi tiền như bố thí. Cũng lời nói nhưng mẹ nói lại với chồng tôi nghe nặng nề quá, anh vừa đến nhà là cáu gắt loạn cả lên “em xem gửi tiền biếu thế nào mà mẹ kêu quá. Nói như bố thí, anh bận họp không hỏi rõ được”. Tôi mắt tròn mắt dẹt, chẳng phản ứng kịp, đơ người ra, chồng hỏi đến lần thứ hai mới trả lời, lại càng làm anh bực dọc. Tôi kể lại mọi chuyện thì anh mới thôi. Bởi lẽ, anh hiểu mẹ anh và tôi là người thế nào nên anh nói để đó anh giải quyết cho rồi còn động viên tôi đừng suy nghĩ.
Dù chuyện cũng không to tát lắm nhưng tôi cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Tôi tự hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là thế nào, tôi đã cố gắng làm tròn, làm đúng và rất tốt nhưng chỉ một hành động của mẹ chồng khiến tôi thấy công sức của mình bị phủi sạch. Ông bà ai cũng có lương, việc cho biếu của con cái chỉ là tượng trưng, hình thức nhưng có vẻ mẹ câu nệ vật chất quá. Việc mẹ nghĩ chỉ giản đơn nhưng tôi thấy nó là gánh nặng, cảm giác mình đang bị đòi hỏi thế nọ, thế kia. Chắc mẹ nghĩ vợ chồng tôi dư giả, nhiều tiền lắm nên mới nói vậy. Tôi đang hào hứng mua sắm đủ thứ về quê nhưng gặp chuyện vừa rồi chẳng muốn mua thêm gì nữa, nếu tăng tiền biếu, cho gấp đôi đồng nghĩa với việc cắt giảm những khoản khác. Nhưng chẳng biết cắt gì cả, cái gì cũng là cần thiết tôi mới mua. Tự dưng tôi thấy áp lực và mệt mỏi, kế hoạch chi tiêu tết tôi đã lên rõ ràng từng khoản, có xê dịch nhưng không nhiều. Nếu làm theo ý mẹ thì đội thêm 3 triệu, tôi biết bù bằng khoản gì đây? Ra giêng còn bao nhiêu thứ khác cần chi tiêu nữa. Mệt mỏi quá, có chị em nào cùng cảnh như thôi không, xin hãy chia sẻ và cho tôi lời khuyên.
Thanh Nga
Xem thêm:
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.