Microsoft mua hàng triệu sợi ADN để lưu trữ dữ liệu

Microsoft mua hàng triệu sợi ADN để lưu trữ dữ liệu

Với sự phát triển quá nhanh, dữ liệu tăng gấp đôi mỗi hai năm, việc lưu trữ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nguy cơ mất dữ liệu luôn là động lực khiến các công ty tin học, máy tính tìm ra cách cất giữ dữ liệu hiệu quả hơn.

Engadget cho biết, Microsoft mới đây đã mua 10 triệu sợi hóa phân tử – ADN hoặc RNA, nơi cơ thể của mọi sinh vật sống lưu thông tin về bản thân – từ công ty Twist Bioscience ở San Francisco. Họ muốn xem liệu có thể khai thác thuộc tính dữ liệu đáng kinh ngạc này để lưu trữ các thông tin khác hay không.

Microsoft mua hàng triệu sợi ADN để lưu trữ dữ liệu
Microsoft nói rằng trong các thử nghiệm ban đầu, họ đã “có thể mã hóa và khôi phục 100% dữ liệu kỹ thuật số từ ADN tổng hợp” hứa hẹn cách lưu giữ dữ liệu hoàn hảo tương lai – (Ảnh: Independent).

Theo Independent, ADN có khả năng tích hợp 1 tỉ terabytes dữ liệu vào 1 gram. Đặc tính này làm nó trở thành hình thức lưu trữ hiệu quả hơn so với bất kỳ hình thức nào khác được biết đến của lưu trữ máy tính.

Hơn thế, nó còn có thể giữ thông tin thời gian rất dài. Như trong thực tế, ADN của voi ma mút đã tồn tại hàng chục ngàn năm sau khi chúng chết. Các chuyên gia cho rằng việc lưu trữ dữ liệu trong ADN sẽ cho phép kéo dài 2.000 năm hoặc nhiều hơn, làm cho nó trở thành phương tiện lưu trữ lâu dài hơn rất nhiều so với lưu trữ dữ liệu truyền thống.

Vấn đề là ADN vẫn còn đắt. Microsoft phải mất 10 cent để mua 1 chuỗi ADN tùy chỉnh. Họ hi vọng nó sẽ rẻ hơn trong tương lai. Đó là chưa kể, truy cập vào dữ liệu này cũng khá đắt bởi không có chìa khóa mà họ bắt buộc phải giải mã chúng thông qua trình tự gene.

Microsoft mua hàng triệu sợi ADN để lưu trữ dữ liệu
Nghiên cứu hi vọng sẽ tạo ra sản phẩm lưu trữ dữ liệu dung lượng 1 tỉ terabytes/1g và giữ được 2.000 năm – (Ảnh: Engadget).

Microsoft nói rằng trong các thử nghiệm ban đầu, họ đã “có thể mã hóa và khôi phục 100% dữ liệu kỹ thuật số từ ADN tổng hợp”.

Doug Carmean, đối tác của Microsoft cho biết: “Chúng tôi vẫn còn phải mất nhiều năm nữa để cho ra sản phẩm thương mại khả thi nhưng các xét nghiệm ban đầu của chúng tôi chứng minh rằng trong tương lai chúng tôi sẽ có thể làm tăng đáng kể mật độ và độ bền của lưu trữ dữ liệu”.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu việc dùng ADN để lưu trữ dữ liệu nhiều năm qua. Trở lại năm 2012, các nhà khoa học đến từ Stanford từng tạo ra kho lưu trữ ADN bên trong các tế bào sống. Cùng năm đó, một nhóm nghiên cứu Harvard “nhồi” 704 terabytes dữ liệu vào một gram ADN.

 

Theo khampha