Đêm 14/12, rạng 15/12, một trận mưa sao băng thuộc loại đẹp nhất trong năm 2010 sẽ xảy ra trên bầu trời. Tuy nhiên, người dân khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ ngắm sao băng thuận lợi hơn miền Bắc.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TW cho biết, miền Bắc vào những ngày có mưa sao băng Geminids thời tiết âm u, mây đen, có mưa, không thuận lợi cho quan sát sao băng.
Còn theo dự báo của Hiệp hội sao băng quốc tế IMO, cực điểm của Geminids năm nay đêm và rạng sáng ngày 15/12 khi tâm điểm sao băng là chòm Gemini (Song Tử) bắt đầu xuất hiện và dần lên cao trên bầu trời, số sao băng xuất hiện khoảng 100 vệt/giờ.
Dù cực điểm rơi vào đêm 15/12 nhưng vẫn có thể quan sát vào những ngày trước và sau cực điểm với tần suất sao băng rất cao chỉ kém cực điểm đôi chút với thời gian quan sát như trên.
Đôi khi người quan sát có thể ngỡ ngàng về số lần sao xuất hiện nhưng nên kiên trì, vì tần số xuất hiện sao băng khoảng dưới 1 phút có 1 sao băng là điều có thể. Thậm chí đôi khi bầu trời rất im lặng trong thời gian dài đến hơn 15 phút nhưng có lúc vài sao băng thi nhau xuất hiện cùng lúc, điều này rất thường xảy ra và rất dễ làm chúng ta nản lòng.
Các chuyên gia khuyên, càng xa ánh sáng đô thị càng trông thấy nhiều sao băng. Người xem cũng cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho quan sát, kể cả áo khoác, găng, tất, mũ chống sương, kem chống muỗi, đồ ăn và thức uống nóng giàu năng lượng … nếu có kế hoạch quan sát suốt đêm dài trong tiết trời đông này.
Nếu quan sát lâu, người xem hãy dùng tấm lót hoặc tốt nhất là chiếu du lịch tìm chỗ ngã người ra để không gây mỏi khi quan sát. Việc này rất có ích khi chòm Gemini đã lên hơn lưng chừng trời. Một kinh nghiệm là nên nằm hướng chân về hướng tâm điểm để thấy được nhiều sao băng hơn.
Mưa sao băng Geminids bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ 19 kéo theo sự bí ẩn về nguồn gốc của nó. Mãi cho đến năm 1983 bí ẩn này mới được NASA làm sáng tỏ. Vật thể 3200 Phaethon được cho là đã gây ra trận mưa sao băng nổi tiếng này.
Theo Bee