Theo Siberian Times, miệng hố thứ ba được phát hiện ở bán đảo Taymyr, phía đông của bán đảo Yamal, thuộc vùng Kransoyark. Nó có đường kính hơn 4 m, nhỏ hơn so với hai miệng hố được phát hiện trước đó và độ sâu khoảng từ 60-100m.
Miệng hố thứ ba ở Siberia. (Ảnh: SiberianTimes)
Những người chăn nuôi gia súc tình cờ phát hiện miệng hố nằm trên đường và suýt rơi xuống dưới. Nó có cấu trúc như hình phễu và không rõ nguyên nhân hình thành. Họ chụp ảnh và gửi cho tổ chức nghiên cứu của địa phương.
Các chuyên gia địa chất, sinh thái học và nhà nghiên cứu lịch sử hiện chưa đưa ra kết luận về nguồn gốc của cấu trúc này. “Nó không giống như kết quả của hoạt động do con người tạo ra, nhưng cũng không giống cấu trúc tự nhiên”, một chuyên gia cho hay.
Trước đó, hai miệng hố lớn từng được phát hiện ở bán đảo Yamal. Khu vực tìm thấy miệng hố là một vùng lãnh nguyên hoang vắng, còn được gọi là “điểm kết thúc của thế giới”. Nguyên nhân hình thành miệng hố chưa được làm rõ. Các giả thiết được đưa ra liên quan đến sự va chạm của thiên thạch, vật thể bay không xác định hoặc do một vụ nổ khí ga.
Một giả thiết khác cho rằng các miệng hố hình thành sau quá trình hoạt động địa chất có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Nơi đây vốn là khu vực giàu khí đốt tự nhiên, bị bao phủ dưới biển từ 10.000 năm trước. Quá trình ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy, giải phóng khí, khiến “hỗn hợp” nước, muối và khí phát nổ dưới lòng đất, hình thành miệng hố khổng lồ. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra kết luận.