Một mỏ bạc từng làm giàu cho Tây Ban Nha ngày càng mở rộng, nuốt dần thành phố cổ và đầu độc những đứa trẻ.
Thành phố Cerro de Pasco bị mỏ bạc “nuốt chửng”
Nữ nghị sĩ 66 tuổi Gloria Ramos Prudencio có bề ngoài khiêm tốn với chiều cao khoảng 1,5 mét. Theo National Geographic, bà đang nung nấu ý định di dời toàn bộ thành phố Cerro de Pasco, Peru, với dân số 70.000 người. Nằm ở 4.300m trên sơn nguyên cằn cỗi của Peru, đây là một trong những thành phố cao nhất thế giới.
Ngành khai khoáng của Mỹ Latinh trong thập niên vừa qua có doanh thu tăng gấp 3 lần, đạt 300 tỷ USD. Đây cũng là ngành chiếm 1/6 tổng sản phẩm quốc dân của Peru. Cerro de Pasco là nơi lưu giữ toàn bộ lịch sử khai thác mỏ của quốc gia này cũng như cái giá mà đất nước phải gánh chịu. Khu mỏ ở đây đang phá hủy thành phố 400 năm tuổi.
Vùng mỏ lộ thiên do một công ty con của Volcan Compania Minera điều hành là một miệng núi nhiều bậc. Dài 1,6km, rộng 0,8km và sâu 0,4km, khu mỏ này đang lấn dần thành phố. Một dãy nhà bỏ hoang, mái thép gỉ sét và mặt tiền loang lổ, tạo thành vùng đất không người sinh sống nằm chắn giữa vực sâu và thành phố. Tuy nhiên, rào cản đó là không đủ để bảo vệ người dân khỏi chất độc từ mỏ, đặc biệt là trẻ em. Cerro de Pasco là một trong những vùng bị ngộ độc chì nặng nhất trên thế giới.
Thành phố Cerro de Pasco bị khu mỏ sâu 402 mét tàn phá. (Ảnh: Tomas Van Houtryve).
Theo truyền thuyết, bốn trăm năm trước, những tảng đá xung quanh khu cắm trại ở Cerro de Pasco “chảy thành bạc”. Trong nhiều thế kỷ, mỏ ở đây luôn làm giàu cho hoàng gia Tây Ban Nha với bạc khai thác chất đầy thuyền vận chuyển. Năm 1820, đây là thành phố đầu tiên ở Peru được giải phóng khỏi Tây Ban Nha. Đầu những năm 1900, nó là thành phố lớn thứ hai của Peru.
Năm 1903, tuyến đường sắt cao nhất thế giới dài 3.200km hoàn thành, cắt ngang dãy Andes. Người Mỹ đến đây và tập đoàn Cerro de Pasco Corporation mua lại khu mỏ. Mỏ chủ yếu phục vụ khai thác đồng, nhưng đôi khi bạc vẫn được tìm thấy. Vào thập niên 1950, đồng nhường chỗ cho kẽm và chì, chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giữa những năm 1950, các thợ mỏ vẫn đào quặng qua đường hầm theo phương pháp cũ. Sau đó, công ty khai thác chuyển từ đường hầm sang các mỏ lộ thiên trong giới hạn cho phép nhằm khai thác hiệu quả hơn.
Ngày nay, Cerro de Pasco thiếu nước uống vì hồ và sông ngòi đã chuyển sang màu cam do chất thải khai thác từ khu mỏ. Xe tải cung cấp nước uống cho vùng này có chi phí đắt gấp 25 lần so với Lima, thủ đô Peru. “Khu phố của tôi chỉ có nước 6 giờ một tuần”, Ramos chia sẻ. Năm nay, tòa án cho phép công ty Volcan tiếp tục xả chất thải khai thác vào một bể phía nam thành phố.
Dọc theo mép phía tây khu mỏ, lượng chất thải khổng lồ từ khai thác chì chảy xuống khu dân cư Paragsha và Champamarca và bụi có ở khắp mọi nơi.
Những tấm lưới màu xanh lá cây phủ lên đống chất thải gần vùng Champamarca để giảm lượng bụi độc hại bay vào nhà cửa và đường phố. (Ảnh: Tomas Van Houtryve).
Từ năm 1996, Bộ Y tế Peru lấy mẫu máu nhiễm chì của trẻ em ở đây Cerro de Pasco hai lần một năm. Năm 2007, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng tham gia. Kết quả luôn giống nhau: Hơn một nửa số trẻ em được kiểm tra có nồng độ chì cao, có thể do hít phải bụi bay từ khu mỏ.
“Nơi này là Chernobyl”, Paul Rodriguez, một bác sĩ ở phòng khám cộng đồng Paragsha nói. Từ các cuộc khảo sát, ông biết những đứa trẻ vào phòng khám của ông có nguy cơ nhiễm độc chì. Ông đã gặp 4 trường hợp trẻ có vệt màu xanh trên nướu răng, dấu hiệu nhiễm độc chì nặng, nhưng ông không thể tiến hành xét nghiệm máu để chẩn đoán.
Jorge Leoncio Murillo Nuñez, phát ngôn viên của Volcan, khẳng định công ty tuân thủ tất cả các điều luật về môi trường của Peru và đã “thực hiện các chiến dịch thông báo cho người dân về quy trình vệ sinh và làm sạch để giảm thiểu tác động của ô nhiễm”.
Cecilia Beraún sinh ra ở Champamarca và đang sống với hai con trai trong nhà kho của trường học. Hai con trai của Cecilia, 7 tuổi và 10 tuổi, có nồng độ chì trong máu lần lượt là 13,7 và 14,5 microgram/dexilit. Theo CDC, mức 5 microgram/dexilit là mức nguy hiểm.
Alex, hàng xóm của Cecilia, chỉ vào đứa con trai 3 tuổi Yober. “Trong tháng 3, nồng độ chì của nó ở mức 18,9. Nó bị co giật ba lần, chúng tôi đón giao thừa năm ngoái ở bệnh viện. Bệnh viện trả nó về vì không có thuốc chữa. Hai con trai lớn của tôi không sinh ra ở đây và chúng đều khỏe mạnh. Vì con, tôi muốn bán ngôi nhà này và rời đi nhưng không ai mua”, Alex nói.
Leydi Gonzales 9 tuổi (trái) và em gái Sonia 8 tuổi có nồng độ chì trong máu cao gấp ba lần mức cho phép của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. (Ảnh: Tomas Van Houtryve).
Nhiễm độc chì dù ở mức độ thấp đủ gây đau khớp, giảm khả năng học tập, đặc biệt ở trẻ em, khiến chỉ số IQ của trẻ thấp hơn. Ở mức độ cao, người bệnh sẽ bị co giật, rối loạn chức năng nội tạng và tử vong.
Tháng 5/2012, Bộ Y tế Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường tại Cerro de Pasco. Nhưng một quan chức y tế địa phương giải thích không có nhiều kinh phí để giải quyết tình trạng.
Năm 2008, Gloria Ramos lập một đề xuất thay đổi, được cơ quan lập pháp Peru thông qua nhằm di dời toàn bộ thành phố Cerro de Pasco. “Chính phủ phân bổ 2 triệu USD để nghiên cứu khu vực di dân nhưng bộ trưởng Tài chính và Mỏ bỏ qua các cuộc họp, vì vậy không có gì tiến triển”, Ramos cho biết.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Volcan phát biểu việc di dời thị trấn không phải là trách nhiệm của công ty. “Đó là vấn đề liên quan đến chính phủ, cùng với các nhà chức trách địa phương và chính quyền thành phố”, Nuñez khẳng định.
Theo VnExpress