Môi khô, nứt nẻ nói gì về sức khỏe của bạn?

Môi khô, nứt nẻ nói gì về sức khỏe của bạn?

Môi khô, nứt nẻ, chảy máu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là 1 bất tiện lớn trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Và quan trọng hơn, môi khô, nứt có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang có vấn đề không ổn.

Tác dụng phụ của thuốc

Các loại thuốc như levothyroxin dùng cho bệnh tuyến giáp, accutane điều trị mụn trứng cá và nếp nhăn, propranolol điều trị huyết áp cao và vài loại thuốc khác có thể khiến đôi môi khô, nứt cùng với các tác dụng phụ khác. Nếu bạn cảm thấy môi bắt đầu bị khô, nứt sau khi bạn dùng một số loại thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.

Môi khô, nứt nẻ nói gì về sức khỏe của bạn?

Chất gây dị ứng

Nếu bạn nhạy cảm với các sản phẩm mỹ phẩm đặc biệt, đôi môi của bạn có thể bị khô và chảy máu. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng với sáp ong hoặc dầu thầu dầu, hãy chú ý khi sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi không có chứa những thành phần này. Ngay cả kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulphate có thể khiến đôi môi của bạn bị khô. Hóa chất này được biết có thể gây viêm môi và miệng ở một số người.

Mất nước

Mất nước xảy ra khi cơ thể bạn đào thải nước nhiều hơn bạn uống vào. Đó là một tình trạng nghiêm trọng vì hàm lượng nước giảm sẽ làm rối loạn cân bằng khoáng chất trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến các chức năng.

Uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày để tránh mất nước. Nếu bạn là một vận động viên hay bị bệnh tiểu đường, tiêu chảy hãy uống nhiều hơn bình thường. Người cao tuổi cũng cần phải uống nhiều nước.

Thiếu vitamin

Thiếu hụt vitamin C gây bệnh còi. Các triệu chứng bao gồm nướu bị sưng và chảy máu, môi khô, xuất hiện vết bầm tím xung quanh các nang tóc và các khớp bị sưng, đau đớn.

Thiếu vitamin B2 hay còn được gọi là riboflavin cũng có thể là nguyên nhân khiến môi bạn bị khô. Vitamin này rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa của chất béo và duy trì mức độ bình thường của axit amin homocysteine trong máu. Một trong những triệu chứng của thiếu hụt riboflavin là bị nứt môi. Hãy cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu riboflavin như trứng, thịt nạc, thịt nội tạng như thận hoặc gan trong chế độ ăn uống của bạn.

Bệnh viêm môi bong vẩy 

Viêm môi bong vẩy  là một tình trạng viêm phổ biến do các vi khuẩn như Candida albicans, Staphylococcus aureus,…. Bệnh khiến 1 hoặc cả 2 bên miệng bị ảnh hưởng. Các triệu chứng bao gồm da đỏ, môi khô, nứt, gây đau chảy máu và loét ở khóe miệng.

Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng dễ gặp hơn với người đeo răng giả và các thiết bị như nẹp chỉnh hình răng. Súc miệng quá nhiều và sử dụng nhiều chỉ tơ nha khoa cũng có thể gây bệnh.

Bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở trẻ em (chủ yếu dưới 5 tuổi) gây ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, da và niêm mạc, đặc biệt ở mũi, cổ họng và miệng. Khi bệnh không được điều trị, các mạch máu bị viêm dẫn đến các vấn đề về tim. Nếu bệnh ảnh hưởng đến động mạch vành cấp oxy máu đến tim, nó có thể gây ra các vấn đề tim khá nặng như nhịp tim bất thường, phình mạch hoặc suy yếu hoặc viêm cơ tim.

Hội chứng co thắt đại tràng

Đôi khi, các triệu chứng của hội chứng co thắt đại tràng (IBS) có các biểu hiện bên ngoài như môi khô, nứt nẻ, chảy máu hoặc một số rối loạn da khác trên khuôn mặt.

Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng môi khô không phải là một dấu hiệu của căn bệnh nghiêm trọng nhưng đừng chủ quan nếu nó đi kèm theo các triệu chứng khác, đặc biệt ở trẻ em.

 

Thụy Du – (Dịch theo THS)

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.